Ngày 22/4/2015, ngành y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức họp báo công bố đưa vào vận hành tổ hợp bệnh viện đa khoa Đồng Nai với hình thức hợp tác công tư PPP đầu tiên trong cả nước. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, thời gian gần đây, quá trình triển khai các dự án PPP cho thấy, nhiều nhà đầu tư không tuân thủ các cam kết trong hợp đồng dự án như: cam kết về tiến độ góp vốn chủ sở hữu hoặc xảy ra tình trạng chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư ngay từ sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Điều này dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm trễ, tăng chi phí dự án.
Vì thế, Luật Đầu tư theo PPP sẽ có chương riêng quy định về chế tài xử lý vi phạm; trong đó, quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư theo hình thức PPP và chế tài tương ứng đối với từng hành vi.
Đối với nhóm nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP, cơ quan soạn thảo cho biết, trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án PPP, hiện rất nhiều cơ quan được phân cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan như: lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt tài liệu đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án PPP, cần nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án nói riêng, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước hoặc được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bên cạnh đó, cần ban hành một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi, gây hậu quả xấu đối với việc triển khai dự án PPP.
Theo đó, trước hết dự thảo Luật Đầu tư theo PPP sẽ phân định rõ ràng trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc thực hiện dự án.
Các bên liên quan trực tiếp, bao gồm đơn vị chuẩn bị dự án; tổ chức thẩm định; cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án; bên mời thầu; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng; đơn vị giám sát, quản lý hợp đồng; cơ quan hậu kiểm.
Bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay hoạt động thẩm định dự án PPP đã được chú trọng, quan tâm hơn, tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn chỉ coi đây là một thủ tục trong quy trình, không gắn với trách nhiệm phải đảm bảo tính hiệu quả đầu tư của dự án cũng như tính khả thi về PPP, đặc biệt là đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan có quyền hạn và trách nhiệm cao nhất trong suốt vòng đời dự án PPP. Cơ quan này được phép giao cơ quan cấp dưới của mình để thực hiện nhiệm vụ lập và thẩm định dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cũng như giao quản lý và giám sát hợp đồng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, đây là vẫn cơ quan phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cơ quan hậu kiểm là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo khâu cuối cùng tính hiệu quả đầu tư của dự án. Tuy nhiên, hiện nay trong Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện nay chưa có quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan này trong hoạt động đầu tư theo PPP.
Bên cạnh việc phân định rõ ràng trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc thực hiện dự án, Luật Đầu tư theo PPP sẽ có quy định chế tài xử lý đối với các đối tượng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư PPP và hạn chế các tồn tại, bất cập của hình thức đầu tư này trong thời gian qua, theo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo PPP, Luật sẽ có 6 nhóm nội dung chính gồm: nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP, công khai, minh bạch thông tin trong quá trình đầu tư, về trình tự, thủ tục đầu tư, các biện pháp thu hút đầu tư, tính pháp lý của hợp đồng PPP.