Quy hoạch 'lập lờ' dễ gây rủi ro chính sách, thiệt hại cho doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, môi trường kinh doanh ổn định, công khai minh bạch là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong đó, việc minh bạch quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch được dư luận đặc biệt quan tâm.

TS Ánh cho rằng, trong những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư theo hướng thông thoáng, cởi mở tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Hồng Hà, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Ảnh minh họa: Bùi Đức Hiếu/TTXVN.

Tuy nhiên môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, của một số tỉnh thành nói riêng vẫn tồn tại không ít bất cập, hạn chế, thậm chí gây ra những rủi ro chính sách đẩy doanh nghiệp vào tình thế nan giải, mất hoặc giảm cơ hội kinh doanh, thậm chí rơi vào thua lỗ, nợ nần dẫn đến phá sản.

“Nổi bật trong vấn đề cải cách thể chế là xây dựng quy hoạch, phê duyệt, thực thi quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch gắn với chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trên từng địa bàn cụ thể. Điều này tác động rất lớn để sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp, đôi khi quyết định cả sự sống còn của không ít doanh nghiệp song lại chưa thật sự nhận được quan tâm thích đáng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của của các cơ quan quản lý có liên quan so với các vấn để thể chế khác như ưu đãi hỗ trợ đầu tư, chính sách và cơ chế thuế, đăng kí kinh doanh...”, TS Ánh nói.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đến từng doanh nghiệp, từng cộng đồng doanh nghiệp bắt nguồn từ chính quy trình, thẩm quyền xây dựng, phê duyệt, thực thi và điều chỉnh quy hoạch. Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết và cấp bách. Toàn bộ quy trình xây dựng, phê duyệt, thực thi và giám sát thực thi quy hoạch cần quy định pháp lý và chế tài cụ thể nhằm hạn chế đến mức tháp nhất sự lạm dụng, quyền lực liên quan đến quy hoạch, đặc biệt là thẩm quyền quy hoạch giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành, tránh ai cũng có quyền quy hoạch nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm khi quy hoạch sai hoặc thực hiện sai quy hoạch.

Theo TS Ánh, để bảo vệ các doanh nghiệp, việc quy hoạch phải đảm bảo tính ổn định, khả thi và chất lượng tốt và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch phải có trách nhiệm pháp lý rõ ràng, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ, cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền bất hợp lý tới điều chỉnh quy hoạch.

Chia sẻ thêm với phóng viên báo Tin Tức về rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức- Trọng tài viên VIAC cho rằng, mặc dù pháp luật đã quy định rõ về “Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật” của Luật Đầu tư năm 2014 về cơ bản, quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế lại diễn ra nhiều hành động vô tình hay cố ý loại bỏ, gây khó và đánh đố nhà đầu tư.

Ông Đức nêu ví dụ xảy ra tại Hải Phòng, vụ việc năm 2013, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng xây dựng Bến xe khách Thượng Lý, thành phố Hải Phòng với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, để thay thế cho bến xe Tam Bạc đóng cửa vào tháng 6/2015. Tuy nhiên theo ông Đức, thay vì điều chuyển toàn bộ phương tiện đang hoạt động tại bến xe Tam Bạc sang bến xe Thượng Lý như chủ trương ban đầu, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng đã cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe Tam Bạc được lựa chọn chuyển sang bến xe Niệm Nghĩa ở trung tâm thành phố, với lợi thế cạnh tranh hoàn toàn áp đảo Bến xe Thượng Lý.

“Nếu như cho rằng, việc điều phối luồng tuyến xe khách như vậy là đúng quy định của pháp luật và đúng với quy luật thị trường thì không có khác gì là nhà đầu tư bị lừa”, ông Đức nói.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Lỗ hổng dự án BOT: Chưa có quy định cụ thể về minh bạch thu phí
Lỗ hổng dự án BOT: Chưa có quy định cụ thể về minh bạch thu phí

Ngày 4/5, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương đã đi giám sát một số tuyến giao thông được đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) trên địa bàn Đồng Nai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN