Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2020, ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục
quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định thành lập gồm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Bình
Dương, Cần Thơ.
Về quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Các
vùng sản xuất cà phê tập trung tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Các
vùng sản xuất chè tập trung tại Thái Nguyên (sản xuất chè xanh) và Lâm Đồng
(sản xuất chè olong). Các vùng sản xuất thanh long tập trung tại Bình Thuận. Các
vùng sản xuất rau tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm
Đồng. Các vùng sản xuất hoa tập trung tại Lào Cai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm
Đồng. Các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực xuất khẩu ứng dụng công nghệ cao tập
trung tại Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Các vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, tập trung
tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng. Các vùng chăn nuôi lợn ngoại tập trung
tại vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Các vùng chăn nuôi gia cầm tập
trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông
Cửu Long.
Các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ
cao, tập trung tại vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung
bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Định hướng đến năm 2030, hoàn thành xây dựng và đưa vào sử
dụng, hoạt động có hiệu quả 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được
thành lập thuộc quy hoạch tổng thể.
Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch các khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng,
Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang
và các tỉnh còn lại.