Nhờ đó, quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.
“Như vậy chỉ sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.
Tổng cục Thống kê lý giải, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Theo đó, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 4/2021 cho thấy, có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 3/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại đáp ứng phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh.
Bên cạnh đó, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, nhất là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành chủ lực.
Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới; phối hợp với bộ, ngành chức năng thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế thách thức…