Dân mong mỏi quyền lợi gửi tiềnNHNN vừa thông báo vụ việc vi phạm nghiêm trọng của Giám đốc QTDND Thái Bình và việc mất khả năng chi trả tại QTDND Thái Bình đã được NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai phát hiện từ cuối tháng 4/2017.
Ngay khi phát hiện yếu kém, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ này; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp tích cực để thu giữ và xử lý tài sản, thu nợ người vay quá hạn, để có các nguồn tiền trả và đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật.
Người dân tập trung tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình để đề nghị quỹ này trả lại tiền. Ảnh: Công Phong/TTXVN |
“Việc bỏ trốn của ông Vũ Công Liêm- Giám đốc QTDND Thái Bình, đã làm cho người gửi tiền lo lắng và tập trung đến QTDND này rút tiền gửi trước hạn. Chi nhánh NHNN và các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải thích rõ cho người gửi tiền tránh vì yếu tố tâm lý lo lắng phải rút tiền gửi trước hạn, làm mất quyền được hưởng lãi suất có kỳ hạn. Đến nay, sự việc đã dần ổn định”, đại diện NHNN cho biết.
"NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của QTDND Thái Bình; phối hợp với cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan để có các biện pháp thu hồi nợ. Trong trường hợp cần thiết, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ thông qua nguồn vốn cho vay hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống QTDND và các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền", thông báo của NHNN nêu rõ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai, từ đầu năm, NHNN đã gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, do quá trình điều tra kéo dài, cộng với việc thông tin mới đây ông Vũ Công Liêm, Giám đốc quỹ trốn khỏi địa phương, nên người dân đã tập trung đến trụ sở quỹ để đòi lại tiền.
Phía NHNN đã đề nghị tịch thu tài sản của ông Liêm để xử lý đối với những khoản tiền gửi lớn của khách hàng. Hiện các cơ quan chức năng đã niêm phong tài sản của ông Vũ Công Liêm.
QTDND Thái Bình là một quỹ nhỏ, việc quỹ mất khả năng thanh khoản với số tiền hơn 50 tỷ đồng không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác. Hiện tại, Đồng Nai có 36 QTDND. Đến giữa tháng 11/2017, huy động vốn của các QTDND đạt khoảng 2.300 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống QTDND ở Đồng Nai đang hoạt động bình thường, đảm bảo tính thanh khoản.
Đối với QTDND, NHNN chi nhánh Đồng Nai thanh tra định kỳ mỗi tháng 1 lần, các tổ chức tín dụng sẽ phải gửi báo cáo về NHNN chi nhánh Đồng Nai. Thời gian tới, đơn vị cũng sẽ tăng cường giám sát, đẩy mạnh thanh kiểm tra các QTDND. Khi phát hiện quỹ vi phạm quy định pháp luật sẽ lập tức xử lý, không để sự việc kéo dài”, đại diện NHNN chi nhánh Đồng Nai nói.
QTDND Thái Bình liên tục chậm trễ trong việc chi trả lãi cho người gửi từ giữa năm 2016. Tìm hiểu, người gửi tiền vào QTDND Thái Bình với mức lãi suất từ 4 - 6%/năm. Ngoài lãi suất trong hợp đồng, được quỹ thỏa thuận thanh toán thêm (ngoài hợp đồng) 4 - 6%/năm. Vì vậy, mỗi người gửi tiền đều được hưởng mức lãi suất từ 8 - 12%/năm.
Tăng cường giám sát đối với QTDND Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 23/11, Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Tình trạng lừa đảo tín dụng hiện không chỉ xảy ra ở QTDND mà còn cả hệ thống ngân hàng. Có trường hợp, người gửi tiền sai, bị lừa, nhưng cũng có trường hợp dân gửi theo đúng quy định, nhưng khi Quỹ đổ bể thì thiệt hại người dân gánh chịu. Cách đây 1 năm, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ Đặng Thị Việt Hà, Giám đốc QTDND cơ sở phường Thọ Xương về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo ông Đức, khi người dân tới Quỹ hay ngân hàng gửi tiền, họ tới quầy giao dịch, có cán bộ thực thi, văn bản có dấu nhận tiền tại tổ chức thì khi rủi ro xảy ra, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Còn chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay: Việc lừa đảo tại ngân hàng hay Quỹ đang khiến người dân lo lắng. Với trường hợp người dân gửi tiền, khi xảy ra rủi ro thì được bảo hiểm bù đắp ở mức tối đa 75 triệu đồng/người.
“Nhưng với trường hợp ở Đồng Nai, nếu người dân gửi trên mức 75 triệu đồng, thì việc thu hồi tiền trên mức này là việc làm không hề đơn giản. NHNN nói luôn theo dõi sát sao hoạt động của QTDND, nhưng khi cá nhân hay giám đốc ăn trộm thì chẳng có luật pháp nào có thể kiểm soát được. Vụ việc này cần phải rút kinh nghiệm, cần phải giám sát chặt chẽ hơn. Hiện hệ thống pháp luật đối với hoạt động QTDND tương đối đầy đủ. Mấu chốt ở đây là NHNN, chi nhánh NHNN địa phương có vào cuộc tranh tra đầy đủ, thường xuyên hay không, có cảnh báo kịp thời Quỹ nào đang rơi vào “hố đen” không?", ông Hiếu nói.
Tính đến 30/6/2017, có khoảng 1.175 QTDND hoạt động trên cả nước. Trong đó có khoảng 1.105 quỹ gia nhập Hiệp hội QTDND Việt Nam. Thu hút được 84.419 tỷ đồng tiền gửi. Dư nợ cho vay đạt hơn 72,414 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 0,89%, tăng 0,05% so với cuối năm 2016.
Theo các chuyên gia ngân hàng, các QTDND đều tuân thủ các quy định của NHNN, nhưng vẫn có một số quỹ vẫn gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, chưa gửi các báo cáo về ngân hàng theo quy định, chưa đóng phí quỹ bảo toàn, phí thường niên và hội phí hiệp hội; đồng thời hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích và chạy theo lợi nhuận, công tác quản trị điều hành chưa tốt dẫn đến xảy ra nợ xấu. Vì vậy, tăng cường hoạt động giám sát đối với QTDND là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Còn theo quy định, Thống đốc NHNN giao Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp phép đối với các QTDND và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về thực hiện nhiệm vụ được giao.