Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân vốn đầu tư công

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp so với yêu cầu đề ra, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18/7, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần làm rõ các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công không đạt, đồng thời có giải pháp cho 6 tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%). 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị sơ kết.

Giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn chậm

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án thành phần thuộc dự án quan trọng quốc gia, được Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án phải giải ngân 6.990 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 310 tỷ đồng (theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bằng 4,43% kế hoạch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lý do là tỉnh Đồng Nai còn lúng túng trong thủ tục triển khai và thanh toán. Báo cáo tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thừa nhận, tỉnh còn gặp khó khăn,vướng mắc trong việc xác định khu đất có giá trị thương mại cao để mời thầu, cũng như trong việc lập hồ sơ mời thầu, lập các quy hoạch chi tiết… Đặc biệt, theo vị lãnh đạo này, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng khiến cho việc giải ngân không thể được đẩy nhanh.

"Có một số nguyên nhân lớn gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn tỉnh, thứ nhất là sự chênh lệch giá đất giữa giá Nhà nước bồi thường và giá thị trường. Thứ nữa là công tác bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Theo quy định của pháp luật, phải có chỗ tái định cư thì người dân mới di dời bàn giao mặt bằng. Ở một số địa phương có nhiều dự án lớn thì việc bố trí tái định cư không đơn giản", đại diện tỉnh lý giải.

Việc chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu và đền bù giải phóng mặt bằng cũng xảy ra tại nhiều địa phương khiến việc giải ngân vốn đầu tư bị chậm tiến độ.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thừa nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, bên cạnh các nguyên nhân về vấn đề thủ tục thì công tác hỗ trợ tái định cư cho người dân còn vướng mắc, giải phóng mặt bằng chưa được như kế hoạch đề ra.

Tại Hà Nội, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố cũng chậm, trong đó 36/55 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ. Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách trong 6 tháng mới đạt 32,2%.

Qua kiểm tra, các dự án triển khai chậm có lý do vướng mắc về khâu lập hồ sơ ban đầu; quyết toán công trình; quá trình tổ chức đấu thầu đến thực hiện dự án của các đơn vị chưa phối hợp nhịp nhàng, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Để thực hiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ như nâng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân khi nhận nhà tái định cư từ mức 3,2 triệu đồng lên 6,8 triệu đồng/m2, tuy nhiên tiến độ vẫn chưa được cải thiện.

"Các dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục giai đoạn 1; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ... còn gặp khó rất nhiều khó khăn, phức tạp trong giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất, nhiều hộ gia đình không hợp tác tốt trong việc đo đếm và không đồng thuận với mức giá đền bù, bố trí nhà tái định cư khó khăn... Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm", đại diện Hà Nội chia sẻ.

Đại diện Kho bạc Nhà nước cho rằng, khó khăn trong giải phóng mặt bằng là lớn nhất, gây cản trở nhiều nhất đối với  việc giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị phải làm công tác chính trị tư tưởng để vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng sớm hơn. Nhiều dự án phải thực hiện đan xen vừa thi công vừa vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Cần quyết liệt hơn nữa

"Tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 vẫn ở mức thấp, đặc biệt đối với 3 nguồn vốn: vốn ODA, chương trình mục tiêu quốc gia và trái phiếu Chính phủ. Để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2019 được giao, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ đề nghị xử lý triệt để các nguyên nhân gây chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương.

Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư để tạo điều kiện cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Các chủ đầu tư dự án cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp, hoàn thiện thủ tục giải ngân kế hoạch vốn giao…

"Dự án hoàn thành năm 2019 thì tập trung thực hiện các hạng mục công trình, hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán, khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp thì đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành", Bộ trưởng đề nghị.

Với từng dự án cụ thể, theo Bộ trưởng, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thủ tục giải ngân cho Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành- một trong những dự án rất chậm giải ngân; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục thẩm định và phê duyệt dự toán, lập và thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện thanh toán vốn đầu tư đối với dự án này.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ chủ đồng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thực tế, phân tích dự báo kịp thời, đồng thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thực hiện mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt khoảng 6,8% và lạm phát đạt dưới 4%.

Về phía địa phương, theo lãnh đạo Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ tập trung rà soát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ đến ngày 31/10/2019 các dự án giải ngân không đạt 30% sẽ không được xem xét cấp mới. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục, lập, quản lý hồ sơ đảm bảo chất lượng, các quy trình giải phóng mặt bằng, không để xảy ra sai sót.

Theo TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, liên tục từ năm 2016 đến 2018, tốc độ giải ngân đầu tư công đều chậm, không có năm nào đạt kế hoạch khiến lượng vốn lớn dồn lại cho hai năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

"Vì vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 rất lớn, không phải chỉ có ý nghĩa sử dụng hết nguồn vốn được phân bổ mà quan trọng hơn là việc giải ngân vốn năm nay mới tạo động lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho hai năm cuối của kế hoạch. Do vậy, nhiệm vụ cấp bách là phải gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công, tạo nguồn lực cho tăng trưởng", TS Hoàng Văn Cường nhận định.Có 59 địa phương được giao kế hoạch vốn ODA năm 2019. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 12,14%, trong đó 8/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30% (Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu); có 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%.

Một số dự án chậm giải ngân tiêu biểu như Dự án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư sân bay Long Thành; dự án xây mới, mở rộng các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 của Hà Nội; dự án Mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ; Dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy, trường Đại học Dược Hà Nội...

 

Bài, ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cần ưu tiên các dự án an sinh xã hội
Phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cần ưu tiên các dự án an sinh xã hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, ngày 29/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN