Rà soát lại quy chuẩn xả thải công nghiệp

Phần lớn các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang được kiểm soát xả thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp - QCVN 40. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp, trong đó hầu hết là ngành gây ô nhiễm nặng lại xả thải theo quy chuẩn riêng trong khi quy chuẩn này vẫn chưa đảm bảo yêu cầu thực tế.

Quy chuẩn còn “dễ dãi”

Hiện việc quản lý nước thải công nghiệp nói chung được áp dụng theo QCVN 40:2011/BTNMT (QC 40). Tuy nhiên, đối với một số ngành sản xuất và dịch vụ đặc thù thì có quy chuẩn riêng như ngành sản xuất thép, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, ngành chế biến thủy sản, sơ chế cao su thiên nhiên, ngành dệt nhuộm, kho và cửa hàng xăng dầu, nước thải chăn nuôi và ngành sản xuất cồn nhiên liệu...Theo đánh giá của nhiêu chuyên gia, việc áp dụng quy chuẩn riêng hiện còn nhiều “ưu ái” cho những ngành gây ô nhiễm.

Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) đứng trước lo ngại “bức tử” sông Hậu. Ngành giấy cũng là một trong những ngành được cho là có “biệt đãi” trong xả thải. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Cụ thể như đối với ngành sản xuất thép, theo quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu nước thải đảm bảo 33 chỉ tiêu kỹ thuật trước khi ra môi trường, thì ngành sản xuất thép chỉ có 12 chỉ tiêu (theo Quy chuẩn 52:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải ngành sản xuất thép). Các chỉ tiêu cũng được nới lỏng hơn so với quy chuẩn chung.

Tương tự, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nếu quy chuẩn chung là 33 tiêu chí thì QCVN12 - MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải ngành giấy và bột giấy chỉ quy định 8 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu về dioxin đến 1/1/2018 mới áp dụng, có nghĩa là nước thải của cơ sở đang sản xuất giấy, bột giấy hoặc liên hợp giấy và bột giấy nước thải chỉ có 7 chỉ tiêu. Còn ngành sản xuất giấy được phép xả thải COD gấp 1,4 đến 2 lần quy chuẩn chung.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo TS Lê Hoàng Lan (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), so với hệ thống tiêu chuẩn nước thải của một số nước, quy định trong các QCVN về nước thải của Việt Nam hiện nay tỏ ra lỏng lẻo hơn nhiều. Thông thường giá trị tối đa cho phép của các thông số đặc thù này trong nước phải vẫn phải tuân thủ QCVN 40, tuy nhiên một vài thông số được quy định “dễ dàng” hơn, tức là có giá trị tối đa cao hơn giá trị tối đa quy định trong QCVN 40, với lý do đối với một số ngành đặc thù việc xử lý các chất ô nhiễm này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, chi phí cao và hiệu quả thấp.

Cần xem xét lại

Theo GS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường, cơ quan quản lý cho phép một số ngành có quy chuẩn riêng dựa theo đặc thù sản xuất, năng lực về kinh tế để xử lý nước thải. Một số ngành, nếu áp theo quy chuẩn chung thì kinh phí xử lý sẽ cao lên nên được nới lỏng một chút. Việc nới lỏng này nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, cũng có thể hiểu là ưu tiên sự thuận lợi cho doanh nghiệp hơn là đảm bảo an toàn cho môi trường. Tuy nhiên GS Nhuệ cũng cho rằng, sau sự cố Formosa vừa qua, cần xem xét lại vấn đề quy chuẩn xả thải.

TS Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, nếu chỉ dựa vào các QCVN về nước thải mà không chú ý đến sức chịu tải của môi trường như hiện nay thì chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát xả thải. Rất nhiều lưu vực sông có quá nhiều nguồn thải từ các doanh nghiệp, từ các hoạt động thương mại, du lịch và dân sinh, ngay cả khi từng nguồn thải đáp ứng QCVN 40 thì môi trường nước tiếp nhận vẫn bị quá tải, tức là từng đoạn sông, thậm chí cả lưu vực, không còn khả năng tự làm sạch, dẫn tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc bố trí các ngành đặc thù không dựa trên quy hoạch môi trường (tức là không có lựa chọn vị trí dựa trên tính chất nhạy cảm của môi trường đối với các thông số đặc thù của các ngành này) đã dẫn đến bất cập về áp dụng quy định giới hạn tối đa cho phép khác nhau trong nước thải xả vào cùng một nguồn tiếp nhận. “Việc giám sát và kiểm soát ô nhiễm có quy định trong luật nhưng vấn đề là việc thực thi rất yếu. Việc không tuân thủ pháp luật còn phải kể đến cả cơ quan nhà nước chứ không chỉ doanh nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, quy chuẩn môi trường ở Việt Nam có thể phù hợp với giai đoạn thu hút đầu tư mạnh. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá thì cần phải rà soát, xem xét lại các quy chuẩn môi trường.

Trong Chỉ thị số 25 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường, khắc phục những bất cập hiện nay.


Thu Trang
Giám sát chặt các cơ sở xả thải trên thượng nguồn hồ Dầu Tiếng
Giám sát chặt các cơ sở xả thải trên thượng nguồn hồ Dầu Tiếng

Thượng nguồn hồ Dầu Tiếng đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng do nguồn thải tích tụ từ những năm trước cộng thêm việc một số cơ sở lén lút xả thải không qua xử lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN