Tuy nhiên, thời gian gần đây, địa phương gặp trở ngại rất lớn trong quá trình đền bù, hỗ trợ, bởi vùng dự án có khoảng 1.100 trường hợp đất cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng bằng giấy viết tay (đất giấy tay). Để đảm bảo tiến độ dự án, ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp, song vẫn có những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Long Thành (Đồng Nai), để xây sân bay Long Thành, nhà nước phải thu hồi 5.000 ha đất, trong đó gần 3.000 ha thuộc quyền sử dụng của hơn 5.500 gia đình, số còn lại là của các tổ chức. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng của các tổ chức cơ bản đã hoàn thành. Với đất của gia đình, huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho hơn 3.900 hộ với diện tích hơn 1,6 ha. Trong đó, đã thực hiện chi trả gần 7.000 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho hơn 3.000 hộ. Số gia đình còn lại sẽ được chi trả tiền trong tháng 7 này.
Ông Lê Văn Tiếp, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Thành chia sẻ, sân bay Long Thành là "siêu" dự án - không chỉ bởi số vốn đầu tư, quy mô mà còn cả số hộ phải nhường đất cho nhà nước. Với hầu hết dự án về hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng là khó khăn nhất. Quá trình kiểm đếm đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay Long Thành cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, song ngành chức năng đã dựa trên những quy định của pháp luật để tháo gỡ, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp đất giấy tay là vấn đề nan giải bởi thiếu những quy định pháp lý.
Theo ông Lê Văn Tiếp, sân bay Long Thành quy hoạch đã hàng chục năm, trong thời gian đó có rất nhiều giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay tại vùng dự án. Nguyên nhân do thời gian quy hoạch kéo dài quá lâu, nhiều người có nhu cầu mua bán đất. Trong khi đó, theo luật định, từ khi có dự án ngành chức năng sẽ tạm ngưng xác nhận giao dịch, mua bán đất đai.
Để có căn cứ xử lý các trường hợp đất giấy như trên, huyện Long Thành đã tiến hành rà soát, thống kê. Kết quả, vùng dự án có khoảng 1.100 trường hợp cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng, mua bán đất bằng giấy viết tay. Trong số này có hơn 200 trường hợp chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất trọn thửa đất và trên 900 trường hợp cho tặng, chuyển nhượng một phần thửa đất bằng giấy viết tay.
Ông Lê Văn Tiếp cho biết, đối với các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất giấy trọn thửa, người đứng tên chủ sử dụng đất bán cho người đang sử dụng đất mà có cam kết với nhau, huyện Long Thành xử lý theo trình tự, thủ tục. Những trường hợp phức tạp hơn, chính quyền địa phương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai xử lý.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai các phương án, chính sách khi thực hiện thu hồi đất đối với những trường hợp đất sở hữu bằng giấy viết tay thuộc dự án sân bay Long Thành. Theo đó, đất loại này tại dự án sân bay Long Thành được chia làm 3 trường hợp.
Với đất chuyển nhượng, cho tặng trọn thửa bằng giấy viết tay trước ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Đồng Nai chỉ đạo huyện Long Thành thực hiện sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để có cơ sở thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ.
Trường hợp đất chuyển nhượng, cho tặng trọn thửa bằng giấy viết tay sau ngày 1/7/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất tỉnh thực hiện chính sách đối với người đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng địa phương phải làm việc với các bên để tránh xảy ra tranh chấp giữa người được cho tặng, chuyển nhượng với người cho tặng, chuyển nhượng.
Đối với trường hợp cho tặng, chuyển nhượng một phần thửa đất bằng giấy viết tay, vấn đề này hiện chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: "Quan điểm của ngành chức năng Đồng Nai là phân loại các trường hợp đất giấy tay để xử lý. Những trường hợp đã có căn cứ, quy định bồi thường, hỗ trợ thì cơ quan chức năng xử lý trước, trường hợp khó thì xin ý kiến các đơn vị liên quan, cấp trên và xử lý sau".
Theo ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, Đồng Nai đã chỉ đạo huyện Long Thành tập trung nhân lực, căn cứ theo các quy định của Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan xử lý dứt điểm những trường hợp chuyển nhượng, cho tặng đất trọn thửa bằng giấy viết tay nhưng chưa lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất trong tháng 7 này.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các sở, ngành liên quan để xử lý các vướng mắc đối với 900 trường hợp chuyển nhượng, cho tặng một phần thửa đất bằng giấy viết tay tại sân bay Long Thành. Quá trình thực thi công vụ, Tổ công tác trực tiếp làm việc với huyện Long Thành xử lý các trường hợp cụ thể. Trường hợp sau làm việc nhưng vẫn không đưa ra được hướng xử lý, Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo. Với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của địa phương, Đồng Nai sẽ xin hướng dẫn, ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương.
Ông Võ Tấn Đức cho rằng, do thiếu các quy định của pháp luật nên việc đền bù, hỗ trợ đối với đất mua bán, sang nhượng bằng giấy viết tay rất phức tạp. Để giải quyết dứt điểm vấn đề, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng địa phương, tới đây, Đồng Nai mong được các cơ quan Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn. Điều này đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, tránh phát sinh những vấn đề phức tạp, giúp tỉnh đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, để chủ đầu tư xây sân bay Long Thành đúng tiến độ.