Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh minh hoa: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, Trần Quốc Định, sau một thời gian thí điểm cho thấy, việc triển khai hệ thống này mang lại lợi ích cho cả ba bên, gồm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không và cơ quan hải quan. Cụ thể, đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua hệ thống quản lý, giám sát tự động sẽ nắm được thời gian, thông tin hàng hóa, vị trí thực tế hàng hóa đưa vào kho để chủ động thực hiện thủ tục hải quan; không phải sử dụng chứng từ giấy để xuất trình đề nghị đưa hàng ra khu vực giám sát. Qua đó, giảm chi phí, thời gian lưu hàng tại kho bãi.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không, hệ thống giúp cung cấp thông tin hàng hóa thông qua việc kết nối hệ thống, không mất thời gian, chi phí, công sức và nhân lực cho việc tạo lập, in ấn và chuẩn bị, giao nộp các bộ hồ sơ giấy đối với mỗi chuyến bay cho cơ quan Hải quan.
Đồng thời, giảm thiểu việc chậm trễ trong công tác phục vụ hàng hóa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thúc đẩy quá trình giao nhận giữa người vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối với cơ quan Hải quan, lợi ích quan trọng là kết nối được thông tin quản lý hàng hóa tại ba khâu: Trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS)- đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống, cũng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực phối hợp với cơ quan Hải quan từng bước hoàn thiện xây dựng phần mềm, triển khai thí điểm hệ thống. Đến nay, hệ thống đã mang lại hiệu quả thiết thực trong cải cách, hiện đại hóa quy trình hoạt động thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp; đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân công, thời gian đi lại để giải quyết thủ tục đưa hàng ra, vào khu vực cảng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đánh giá cao những kết quả trong triển khai thực hiện hệ thống hải quan hiện đại này, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường khẳng định: Đây là sự kiện quan trọng không chỉ đối với ngành hải quan mà đối với tất cả cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Hệ thống này đã áp dụng chuẩn mực quốc tế trong quản lý, giám sát hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không. Đây thể hiện sự cam kết của ngành hải quan trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa.
"Trong thời gian tới các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội cần tiếp tiếp tục hoàn thiện hệ thống, triển khai mở rộng để đáp ứng yêu cầu tiếp tục cải cách, hiện đại hóa nữa để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", ông Hoàng Việt Cường yêu cầu.
Trước đó hệ thống hiện đại này được Cục Hải quan Hà Nội triển khai thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 16/10. Kho hàng không của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội bài (NCTS) là đơn vị đầu tiên thực hiện việc thí điểm này. Theo đó, cơ quan hải quan áp dụng công nghệ thông tin tập trung để trao đổi, cập nhật thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, giúp theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động, tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát hải quan…
Sau 5 tháng triển khai, hệ thống hiện đại này đã kết nối đối với toàn bộ 3 kho hàng không của các Công ty: Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài; Công ty TNHH nhà ga hàng hóa ALS; Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam.
Thống kê của cơ quan hải quan cũng cho thấy, sau 5 tháng triển khai, đã có 175.766 tờ khai hải quan đã được quản lý, giám sát tự động trên hệ thống. Tỉ lệ tự động chiếm 76,77% tổng số tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Thời gian lấy hàng trung bình từ 6 giờ xuống 3 phút. Cơ quan hải quan nhận được thông tin lược khai hàng hóa (manifest) trước 3 giờ khi máy bay hạ cánh.