Tham gia triển lãm 4 trong 1 có 800 gian hàng với 530 đơn vị đại diện cho 550 thương hiệu từ 17 quốc gia và khu vực như: Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Nigeria, Romania, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Việt Nam.
Theo ban tổ chức, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới với mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10,8%/năm và dự báo đạt con số hơn 40 tỷ đô la Mỹ năm 2019. Việt Nam đã duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhiều quốc gia thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư và sản xuất. Hơn nữa, để đảm bảo sự phát triển bền vững, chính phủ Việt Nam đã liên tục khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nâng cấp thiết bị và máy móc cho các doanh nghiệp sản xuất, tăng cường đào tạo nhân lực và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, một loạt chương trình bản lề được tổ chức nhằm mang lại lợi ích cho cả đơn vị triển lãm và khách tham quan. Nhiều diễn giả danh tiếng từ các hiệp hội công nghiệp uy tín chia sẻ công thức thành công thông qua các chủ đề như : Phân tích chuyên sâu về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với thị trường Việt Nam; thu hút và tối ưu hoá tài năng Việt Nam trong kỷ nguyên số; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tác động lớn đến ngành công nghiệp da giày và dệt may, lối đi nào cho ngành da giày và dệt may.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 23/11.