Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng xấp xỉ 10% của thời điểm trước khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát.
Cũng vì dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên sản xuất bị đình trệ, dẫn đến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm mạnh tháng 8/2021. Trong đó, đáng chú ý, IIP của đầu tàu kinh tế TP.Hồ Chí Minh giảm tới 49,2% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%.
Tương tự, IIP tháng 8/2021 của Vĩnh Long giảm 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%.
Bình Dương và Đồng Nai, hai tỉnh có đóng góp lớn cho sản xuất công nghiệp của cả nước cũng giảm, lần lượt là 12,6% và 13,3%.
Ngược lại, một số địa phương vẫn có chỉ số IIP tăng. Chẳng hạn, Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%... Tuy nhiên, sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp của các địa phương này không đủ bù đắp cho mức giảm mạnh của các tỉnh khu vực phía Nam. Nhiều tỉnh của khu vực này là trọng điểm sản xuất công nghiệp của cả nước, do vậy, sản xuất giảm đã ảnh hưởng tới IIP chung của cả nước.
Trước đó, theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng (Bộ Công thương), khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và các doanh nghiệp chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi, không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.