Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% và là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm 2011-2020.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê cho biết, do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.
Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 0,74%). Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,20%). Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%. Ngành khai khoáng giảm 5,4% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%).
Chỉ ra nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và đầu tư cho biết, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.
Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân. Từ đó, ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 16,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 8,8%; dệt tăng 2,8%...
Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,9%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 15%; khai thác quặng kim loại tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,1%...
Cùng với đó có một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: ô tô giảm 26,6%; đường kính giảm 23,7%; bia giảm 17,4%; dầu thô khai thác giảm 13,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 13%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng cao như: linh kiện điện thoại tăng 27,5%; xăng, dầu các loại tăng 20,9%; thép thanh, thép góc tăng 12,8%; bột ngọt tăng 12,3%; phân u rê tăng 10%...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%).
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%); trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%...
Để ngành sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng trong những tháng tới, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh đến giải pháp chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án bảo đảm năng lượng quốc gia; sớm trình Thủ tướng Chính phủ sơ đồ Quy hoạch điện VIII; duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế; đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt xử lý triệt để 12 dự án yếu kém của ngành công thương, nhanh chóng đưa các dự án có khả năng phục hồi vào vận hành, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.