Diễn đàn Toàn cầu Boston đưa ra Sáng kiến Việt Nam Spark nhằm tập hợp các nhà lãnh đạo, chiến lược gia, học giả, chuyên gia về y tế, công nghệ và kinh tế để thảo luận và đề ra các giải pháp giúp Việt Nam chống đại dịch COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế cũng như nghiên cứu các cơ hội mới cho Việt Nam sau đại dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tham dự cuộc họp có cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston; nguyên quyền Bộ trưởng Thương mại Mỹ Cameron Kerry; đồng Chủ tịch Sáng kiến Liên hợp quốc 100 năm Ramu Damodaran; Giáo sư Thomas E. Patterson thuộc Đại học Harvard và nhiều giáo sư, chiến lược gia khác đến từ Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Hà Kim Ngọc bày tỏ vui mừng tham dự sự kiện với sự có mặt của các chuyên gia hàng đầu thế giới của Mỹ vào đúng ngày Quốc khánh của Việt Nam. Đại sứ cho rằng sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra theo đề xuất của một tổ chức có uy tín tại Boston, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc trong những ngày Người đi tìm đường cứu nước. Đại sứ nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn xa về quan hệ Việt Nam - Mỹ và quan hệ hai nước hiện nay đang đi theo đúng tầm nhìn đó. Chuyến thăm Việt Nam thành công của Phó Tổng thống Kamala Harris mới đây là một bước tiến mới trong quan hệ hai nước. Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết tình hình dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến phức tạp, gây các tác động sâu sắc về kinh tế và xã hội. Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp nỗ lực chống dịch, tìm các nguồn vaccine sớm nhất về Việt Nam. Đại sứ đánh giá cao và mong rằng Sáng kiến Việt Nam Spark sẽ giúp đề xuất các sáng kiến đột phá để Việt Nam có thể vượt qua các thách thức và duy trì đà phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu tại cuộc họp, cựu Thống đốc Michael Dukakis cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ là hình mẫu của việc "biến cựu thù thành bạn". Ông bày tỏ quan tâm và mong muốn hỗ trợ cải thiện tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; cho rằng hai vấn đề y tế chống dịch và phát triển kinh tế có quan hệ tương hỗ và có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19. Giáo sư John Quelch - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard, Hiệu trưởng trường Kinh doanh Đại học Miami - cho rằng Việt Nam nên phối hợp cùng các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng một chiến lược y tế cho khu vực để có thể tự chủ về vaccine; quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và chú ý sức khỏe tinh thần của người dân. Các khách mời khác cũng đưa nhiều ý tưởng về phát triển cơ sở hạ tầng y tế, cơ sở hạ tầng thông tin, tư vấn tâm lý từ xa, nâng cao vai trò của phụ nữ... Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập Báo VietNamNet và là Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sSáng tạo, cho biết sau cuộc họp đầu tiên này, Sáng kiến Việt Nam Spark sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận và dự kiến sẽ gửi báo cáo của Sáng kiến cho Việt Nam vào cuối tháng 11/2021.
Các đại biểu tham dự buổi họp mong muốn đưa Sáng kiến Việt Nam Spark trở thành một diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chiến lược gia, các chuyên gia của Mỹ, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), châu Âu… đóng góp những ý tưởng, giải pháp giúp Việt Nam phát triển; đồng thời, giới thiệu những đóng góp của Việt Nam vào việc xây dựng một thế giới hoà bình, an ninh và phồn vinh.