Các mô hình được nhân rộng như: Mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới theo phương châm “ 3 tự-1 nhờ”; mô hình nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công trong xây dựng cầu, đường nông thôn; mô hình sổ tay hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa” của Đoàn Thanh niên; mô hình “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch” của Hội Nông dân; mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" của Hội Phụ nữ…
Một số mô hình nổi bật trong xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh Đồng Tháp chú trọng, nhân rộng ra nhiều nơi như: Mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu "xoài Cao Lãnh" vươn xa, đồng thời tạo nguồn vốn ban đầu cho nhà vườn (trả trước 50%). Qua gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã bán ra tổng cộng 224 cây xoài các loại, với số tiền 830 triệu đồng. Hiện Hợp tác xã cũng đang triển khai công nghệ Blockchain trên cây xoài.
Mô hình canh tác lúa thông minh do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers (Trà Vinh), thực hiện thí điểm tưới ướt, khô xen kẽ, tưới bằng smartphone, sử dụng phân bón thông minh… trên diện tích 7,6 ha/5 hộ, trung bình tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Đến nay, mô hình đã mở rộng lên 60 ha và được doanh nghiệp Chơn Chín ký kết hợp đồng bao tiêu đầu vụ.
Đối với du lịch cộng đồng, các mô hình Homestay Tư Cá Linh ở huyện Tam Nông; ngôi nhà Hoa - Ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà Hoa Hồng... tại thành phố Sa Đéc đã phát huy hiệu quả. Các mô hình đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt với gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của người dân Đồng Tháp. Mô hình tình nguyện vì cộng đồng của bà Trần Thị Kim Thia ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, đã có 15 năm gắn bó với công việc phổ cập bơi lội cho trẻ em vùng lũ. Đến nay, bà Trần Thị Kim Thia đã dạy cho khoảng 2.000 trẻ em trong xã biết bơi...
Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 86 “Hội quán”, với hơn 4.000 thành viên là người dân tham gia hoạt động, gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương. Mô hình đã góp phần phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách người dân và Nhà nước.
Đến nay, 17 hợp tác xã được thành lập trên cơ sở các Hội quán nông dân, mở ra hướng đi mới, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Đồng Tháp khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp vào từng ngõ, từng nhà, đã giúp người dân nâng dần ý thức, mình cần làm gì để nâng cao đời sống cho chính mình. Mô hình Hội quán tập hợp người dân cùng chia sẻ, hợp tác, cùng giúp nhau làm giàu, tạo nên sự hài hòa giữa con người với con người, cùng xây dựng, thụ hưởng những thành quả của mình với mục tiêu cho người dân, vì người dân, của người dân.