Sắp khởi công cao tốc Bắc Nam: Tổng mức đầu tư giảm, tiến độ dự án quyết tâm nhanh

Dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc Nam phía đông chỉ còn khoảng 2 tháng nữa khởi công, với mục tiêu Chính phủ đặt ra hoàn thành trong năm 2021, dư luận đang rất quan tâm tới lộ trình, tiến độ triển khai của Bộ GTVT về vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, tư vấn… để đảm bảo công khai, minh bạch.

Lộ trình triển khai

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (Đối tác công tư - Nhà nước và Chủ đầu tư phối hợp thực hiện) hiện đã hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với các địa phương.

Chú thích ảnh
Đoạn cao tốc An Phú – Vành đai II thuộc của dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước, căn cứ quy định tại Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ và kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án Mai Sơn – Quốc lộ (QL)45, QL45 - Nghi Sơn, Dầu Giây - Phan Thiết. Đối với 5 dự án còn lại: Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu khả thi.

Về lộ trình, 8 dự án thành phần này sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần. Để đấu thầu rộng rãi, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ mời sơ tuyển và tổ chức sơ tuyển quốc tế nhà đầu tư. "Trên cơ sở kết quả thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ cập nhật hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, Bộ trưởng cho biết.

Theo kết quả thực hiện trong bước nghiên cứu nghiên cứu khả thi, tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tăng thêm 3 km so với bước nghiên cứu tiền khả thi (từ 654 lên 657 km), tổng mức đầu tư giảm gần 14.000 tỷ đồng, từ 118.716 tỷ đồng xuống 105.046 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà nước giảm từ 55.000 tỷ đồng xuống 50.943 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư giảm từ 63.716 tỷ đồng xuống 54.103 tỷ đồng.

Lý giải về việc tổng mức đầu tư giảm gần 14.000 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mặc dù tăng 3 km chiều dài, Bộ GTVT cho biết, trong bước nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT đã rà soát lại chi tiết, chính xác chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) trên cơ sở cập nhật lại khối lượng GPMB và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... để lập tổng mức đầu tư.

Giải phóng mặt bằng quyết định tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Để đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, công tác GPMB, tái định cư của các địa phương nơi dự án đi qua sẽ là nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc hoàn thành mục tiêu. Do đó, ngay sau khi 8 dự án thành phần được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; dự kiến trong tháng 11/2018, Bộ GTVT sẽ bàn giao tim tuyến đường cho địa phương quản lý, thu hồi đất cắm cọc mốc lộ giới GPMB và tiến hành GPMB từ đầu năm 2019.

Chú thích ảnh
Sơ đồ cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Bộ GTVT

Đồng quan điểm này, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, công tác GPMB ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án. Để cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam vào năm 2021, TEDI sẽ bàn giao hồ sơ khối lượng GPMB trong giai đoạn dự án đầu tư cho các địa phương, trong đó có khối lượng diện tích đất cần GPMB cho từng dự án, chi tiết từng chủng loại đất nông nghiệp, đất ở, lâm nghiệp… của từng huyện, đủ cơ sở để UBND các địa phương trình cấp HĐND thông qua phương án sử dụng đất vào kỳ họp cuối năm 2018, nhằm phục vụ cho công tác thu hồi đất, GPMB.

Liên quan đến công tác GPMB của các dự án, ông Bùi Quang Thái, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, sau khi lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật cho các dự án, dự kiến, trong quý I/2019, các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai công tác GPMB và đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác GPMB đạt khoảng 70% tổng khối lượng GPMB, đảm bảo hoàn thành GPMB toàn dự án vào khoảng tháng 10/2020.

Được biết, từ tháng 10/2018, Bộ GTVT bắt đầu sơ tuyển nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong khoảng 7 tháng từ tháng 9/2019 - 3/2020.

 

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Cao tốc Bắc Nam: Không có cửa cho nhà đầu tư yếu kém
Cao tốc Bắc Nam: Không có cửa cho nhà đầu tư yếu kém

Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ được đấu thầu cạnh tranh trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và dự toán được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo đấu thầu minh bạch, cần các cơ quan thanh tra, kiểm toán giám sát quy trình thủ tục, giá trị dự toán, tổng mức đầu tư, chọn nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN