Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp: Nâng cao quản trị doanh nghiệp

Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 30) và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị định 118) đã triển khai được 5 năm.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ để năm 2020 hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới này.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Ảnh: TTXVN

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 118, xin Thứ trưởng cho biết kết quả của việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp?

Đến ngày 30/6, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án tổng thể đối với 40 địa phương, tập đoàn, tổng công ty, đạt 97,56% với 253/256 công ty nông, lâm nghiệp, đạt 98,83%. 

Các đơn vị được sắp xếp theo 6 mô hình: tái cơ cấu, duy trì mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu, duy trì mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; công ty cổ phần; công ty TNHH hai thành viên trở lên; ban quản lý rừng và giải thể.

Đến ngày 30/6, có 160/256 công ty hoàn thành sắp xếp chuyển sang hoạt động theo quy định của pháp luật với mô hình mới (đạt 62,5%). 

Qua các mô hình được sắp xếp, Thứ trưởng có đánh giá gì?

Bước đầu cho thấy, sau khi sắp xếp các Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; tài nguyên, đất đai được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, đối với một số công ty lâm nghiệp, diện tích quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên, nguồn thu trước đây chủ yếu từ khai thác gỗ, hiện nay dừng khai thác nên gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích về cơ bản, sau sắp xếp các công ty này đã được rà soát, định ranh giới đất đai, việc quản lý đất, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc quản trị doanh nghiệp chưa thay đổi đáng kể; kinh phí đặt hàng giao nhiệm vụ công ích chưa được triển khai, hoạt động vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn kinh phí bảo vệ rừng do Nhà nước cấp. 

Về cổ phần hóa, nhìn chung các công ty đã có chuyển biến tích cực về tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư, tăng doanh thu và lợi nhuận. Tuy vậy, đối với các công ty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối vẫn khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài; đối với công ty mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối thì khó khăn trong quản lý đất đai, quản lý rừng, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với ổn định đời sống hộ nhận khoán. Đây là mô hình có thủ tục không khó nhưng lại khó trong quan điểm xử lý đất.

Mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực về quản trị, vốn, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi; tạo được vùng sản xuất nguyên liệu ổn định gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về tổ chức, hoạt động của mô hình này nên đa số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc lựa chọn đối tác, xác định giá trị tài sản, tỷ lệ vốn điều lệ Nhà nước... Để giải quyết vấn đề này, hiện Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi nghị định liên quan.

Các công ty thực hiện giải thể đều trong tình trạng quản trị yếu kém, thua lỗ kéo dài, không quản lý được vườn cây, đất đai, giá trị tài sản thấp, không có khả năng trả nợ. Nhiều công ty không đủ cân đối chi trả chế độ cho người lao động, thanh toán các khoản nợ vay... nên việc thực hiện giải thể đang gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương đề nghị chuyển sang phá sản doanh nghiệp, tuy nhiên Nghị quyết 30, Nghị định 118 không quy định phá sản công ty nông, lâm nghiệp trong quá trình sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 118 đã khẳng định phù hợp với yêu cầu đổi mới, thực tiễn. Việc thực hiện đạt mục tiêu sắp xếp, đổi mới và đổi mới nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình sắp xếp góp phần giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp, lấn chiếm về đất đai, được lòng dân, không có phát sinh vướng mắc mới.

Sau sắp xếp nhiều công ty có chuyển biến về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, tài chính lành mạnh hơn. Tổ chức sản xuất kinh doanh gắn chế biến với tiêu thụ và áp dụng khoa học công nghệ… Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đều phát triển về kinh tế, tài chính, vốn nhà nước tăng lên.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị quyết cũng cho thấy rõ những hạn chế thực tại. Những hạn chế không phải do sắp xếp sinh ra mà trong quá trình phát triển, khi giải quyết một việc sẽ phát sinh ra một vấn đề khác.

Vậy những tồn tại, hạn chế chính trong thời gian thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 118 là gì, thưa Thứ trưởng?

Một số địa phương, đơn vị thực hiện việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp chậm, nhất là đối với sắp xếp theo mô hình hai thành viên trở lên mới đạt 37,5%; 27 công ty hiện chưa thực hiện việc sắp xếp.

Tuy có chuyển biến bước đầu, nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa rõ rệt, hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế. Một số công ty nông, lâm nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng do năng lực tài chính hạn chế, dự án sản xuất kinh doanh chưa khả thi...

Kết quả ở các địa phương cũng cho thấy quá trình tổ chức thực hiện ở một số địa phương thiếu chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt; sự phối hợp giữa UBND các cấp và các ngành còn hạn chế, có biểu hiện khoán trắng cho Ban Chỉ đạo và cơ quan chuyên môn.

Quá trình hình thành, sắp xếp và đổi mới công ty nông, lâm nghiệp có tính lịch sử, phức tạp, diễn ra trong một thời gian dài; trên địa bàn rộng lớn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới. Cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ; chưa có quy định điều kiện, hình thức, tiêu chí, trình tự, nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp định giá tài sản góp vốn, tỷ lệ vốn góp để thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; việc bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trong cổ phần hóa; xử lý tiền thuê đất, thuế sử dụng đất... 

Ngoài ra, trong thực tiễn cũng đang đặt ra yêu cầu làm rõ hơn về việc có áp dụng phương thức phá sản doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp trong sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp không.

Năm 2020 - mốc hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đang đến rất gần. Nhưng hiện vẫn còn một số địa phương, đơn vị vẫn xin thay đổi, điều chỉnh phương án tổng thể. Liệu mục tiêu này có thay đổi, thưa Thứ trưởng?

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh phương án tổng thể của thành phố Hà Nội và tỉnh Cà Mau thay đổi mô hình sắp xếp; tỉnh Thanh Hóa do nhận bàn giao Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Lang Chánh từ Tổng công ty Giấy Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị điều chỉnh mô hình sắp xếp một số công ty nông, lâm nghiệp, nhưng chưa gửi phương án điều chỉnh nên chưa tổ chức thẩm định. 

Hiện việc thực hiện sắp xếp, đổi mới của Tổng công ty Cà phê Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, cơ bản là giải quyết vấn đề đất đai. Hầu hết diện tích đất sản xuất của Tổng công ty là khoán, theo nhiều đời, người nhận khoán dường như coi đất đấy là của họ và thậm chí xây dựng nhà ở. Nhưng đất ngày càng có giá trị nên xảy ra tình trạng biến đất lấn chiếm thành tranh chấp. 

Tổng công ty có 23 công ty; trong đó 10 công ty đã được đo đạc đất đai, các địa phương đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận; 8 đơn vị cũng đang được đo đạc, dự kiến hoàn thành năm nay; còn 5 đơn vị còn rất nhiều khó khăn. Tuy rất khó nhưng không thể không làm, mà cũng không thể không giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề đất đai, quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt. 

Do đó, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quán triệt phương hướng, nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ này. Những địa phương, doanh nghiệp chưa hoàn thành việc sắp xếp phải xác định là nhiệm vụ ưu tiên tập trung chỉ đạo, nguồn lực trong năm 2020 để hoàn thành.

Ngày 18/11, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 118. Trên cơ sở kết quả thực hiện, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết và xem xét ban hành kết luận “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp ”. 

Các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, điển hình là sớm ban hành nghị định về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp; các quy định về thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể, sáp nhập, hợp nhất công ty nông, lâm nghiệp…

Các công ty nông, lâm nghiệp phải có phương án đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp hiệu quả, gắn kết quả cuối cùng của doanh nghiệp với trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp; đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, tinh gọn bộ máy phù hợp với tình hình mới.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Hồng/TTXVN (Thực hiện)
Năm 2020 sẽ cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp
Năm 2020 sẽ cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp

Quá trình đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp thời gian qua rất tích cực. Mục tiêu đến năm 2020 cơ bản sắp xếp xong các công ty nông, lâm nghiệp là khả thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN