Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Hoàn thiện cơ chế chính sách sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp
Thời gian tới, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng, chủ trương, mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 - NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo đề án được duyệt trong năm 2018. Giải quyết khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách để các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp lành mạnh về tài chính, quản lý chặt chẽ đất đai, sản xuất kinh doanh có hiệu quả...
Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực hiện. Báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc, cần thiết đề nghị điều chỉnh, bổ sung phương án gồm các tỉnh: Nghệ An, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Cần Thơ... Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch việc tiếp nhận đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng.
Các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới.
Tình trạng xâm lấn đất rừng diễn ra tại lâm phần do HTX Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quản lý là rất đáng báo động. |
Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An: Khó khăn trong việc trích lục, đo đạc bản đồ địa chính
Khó khăn vướng mắc hiện nay là việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ chuyển giao, thu hồi đất các công ty nông, lâm nghiệp khá lớn, trong khi địa bàn trải rộng, địa hình, ranh giới phức tạp, khó khăn trong việc trích lục, trích đo đạc bản đồ địa chính. Việc thống nhất ranh giới, loại đất, diện tích chuyển trả về địa phương giữa doanh nghiệp và chính quyền cơ sở kéo dài, một số nơi chuyển giao diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên về chính quyền địa phương quản lý thiếu cơ sở pháp lý. Kinh phí đo vẽ, lập trích lục bản đồ địa chính đối với diện tích giao về địa phương còn hạn chế, chưa bố trí kịp thời, đầy đủ.
Việc xác định Nhà nước có (hay không nắm giữ) cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa hay tỷ lệ vốn góp của đối tác tham gia thành lập công ty TNHH hai thành viên với công ty TNHH một thành viên nông nghiệp chưa thống nhất. Việc giao đất cho nhân dân sản xuất tại các huyện sau khi UBND tỉnh thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp nhìn chung chưa được UBND cấp xã, huyện triển khai quyết liệt.
Các công ty lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì, củng cố để thực hiện nhiệm vụ công ích quản lý, bảo vệ rừng nhưng lao động dôi dư không được giải quyết chế độ theo Nghị định 63/2015/NĐ - CP, không khuyến khích tinh giảm bộ máy lao động.
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Trong quá trình xử lý, thu nợ gặp nhiều khó khăn
Đến cuối quý II/2017, cả nước đã có 133/254 công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ - CP của Chính phủ đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ đạt trên 9.255 tỷ đồng, tăng 0,9% so với 31/12/2016. Trong đó tỷ lệ cho vay trung, dài hạn chiếm 58,5% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay đối với 85 công ty nông nghiệp đạt 8.379 tỷ đồng và dư nợ cho vay đối với 48 công ty lâm nghiệp đạt gần 876 tỷ đồng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét xử lý nợ vay cho các công ty nông, lâm nghiệp. Đã xử lý nợ cho 6 công ty nông, lâm nghiệp thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn lãi vay, xóa nợ, cho vay bổ sung vốn...
Trong quá trình xử lý, việc thu nợ của các công ty nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn và hầu như không thu được do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng.
Các TCTD đã bán nợ cho Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) số nợ trên 8,7 tỷ đồng, đồng thời chủ động sử dụng nguồn dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ vay của 29 công ty nông, lâm nghiệp số tiền trên 310,3 tỷ đồng.