Sẽ thanh tra hàng loạt dự án giao thông BOT

Để minh bạch, công khai các nguồn lực xã hội hóa của các dự án giao thông BOT, nhằm ngăn chặn các sai phạm ngay từ đầu, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ thanh tra hàng loạt các dự án BOT hiện nay.

“Dự án BOT không phải là nơi chia chác”

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn góp BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) của các doanh nghiệp, dự kiến cán đích vào tháng 31/12/2016, nhưng đến thời điểm này, các gói thầu vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng sạch để thi công và đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ.

Dự án BOT nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành giai đoạn I.


Kiểm tra dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và các nhà thầu thi công; tạo điều kiện cung cấp mỏ vật liệu để các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Bộ trưởng cũng yêu cầu các nhà đầu tư phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý, ký hợp đồng tín dụng với các tổ chức tài trợ vốn. Quan điểm của Bộ GTVT là đề nghị các ngân hàng chỉ cho vay khi dự án đảm bảo hiệu quả tài chính, có khả năng trả nợ và chậm nhất trong tháng 9/2015, các thủ tục của dự án phải được hoàn tất. Đặc biệt, nhà đầu tư phải cam kết hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng là 31/12/2016.

Ngoài ra, dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai dự án nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. “Đừng cá nhân, đơn vị nào có suy nghĩ vào các dự án BOT để chia chác, làm ăn. Tất cả các dự án BOT sẽ được kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng để ngăn chặn dấu hiệu tiêu cực”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Ngay sau kiểm tra cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Quyết định số 2778/BGTVT (ngày 5/8/2015) giao Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học công nghệ thanh tra, kiểm toán hàng loạt các dự án BOT hiện có, bao gồm các dự án trọng điểm như: Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Lạng Sơn, mở rộng QL1, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…

Thực tế, các dự án BOT có thời gian thực hiện dài, vốn đầu tư lớn, rủi ro không lường trước được và dư luận đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của các dự án này. Do đó, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục các dự án theo đúng quy định của pháp luật, tuyên truyền cho người dân hiểu được rằng không thể mãi trông chờ vào ngân sách, vốn Trái phiếu Chính phủ hay vốn ODA để đầu tư cho hạ tầng hiện nay.

Công khai, minh bạch quy trình đầu tư

Đến tháng 7/2015, Bộ GTVT đã huy động được 202.000 tỷ đồng vốn xã hội hóa để thực hiện 71 dự án BOT, BT, trong đó có 20 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 410 km. Đến thời điểm này, chưa có dự án BOT nào bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều công trình cán đích trước 6 tháng đến 2 năm so với hợp đồng như: Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa, Vũng Áng, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, dự án cầu Việt Trì mới... đang phát huy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội rõ rệt.

Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Đối tác công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy khẳng định: Tất cả quy trình đầu tư, xây dựng, khai thác các dự án BOT do Bộ GTVT triển khai đều được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, trên cơ sở đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Trước tiên, việc lập danh mục dự án BOT phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, phù hợp với quy hoạch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương dự án đi qua. Sau đó, Bộ GTVT công khai danh mục các dự án trên cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian 30 ngày, để các nhà đầu tư tìm hiểu từng dự án.

Thực tế, theo Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành Tranconsin Phạm Văn Khôi đang thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Pháp Vân - Cầu Giẽ, doanh nghiệp BOT luôn lo lắng khi phải bỏ vốn rất lớn để đầu tư, thời gian hoàn vốn dự án lại kéo dài, cùng với đó là sự thay đổi về cơ chế chính sách. Khi đã đặt bút ký góp đủ vốn chủ sở hữu, ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, nếu chỉ cần chính sách giải phóng mặt bằng của dự án thay đổi, địa phương chậm bàn giao mặt bằng, gây khó khăn trong công tác hạch toán dòng tiền, đội chi phí lãi vay do thời gian xây dựng dự án kéo dài… nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro về tài chính.

“Từng nhà đầu tư phải đáp ứng được yêu cầu về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm xây dựng hạ tầng. Hợp đồng chính thức giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư chỉ được ký kết khi dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời nhà đầu tư phải góp đủ vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng theo quy định”. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng ban Đối tác công tư



Tiến Hiếu
Dự án giao thông  chuyển mình sau “tối hậu thư”
Dự án giao thông chuyển mình sau “tối hậu thư”

Hàng loạt các dự án giao thông chậm tiến độ khiến vị “tư lệnh” ngành Giao thông vận tải (GTVT) phải ra “tối hậu thư” nếu không hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng sẽ điều chuyển cho chủ đầu tư, nhà thầu khác làm. Nhờ những “tối hậu thư” này, nhiều dự án đã chuyển mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN