Nhằm kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống 17 - 19% trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa mặt bằng lãi suất huy động về mức 14%/năm, đồng thời xử lý nghiêm các ngân hàng huy động lãi suất vượt trần.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng VP Bank đưa ra trong hội thảo “Ngân hàng và Doanh nghiệp trước tác động của Chính sách tiền tệ”, được tổ chức chiều qua (6/9), tại Hà Nội.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt. |
Xu thế hạ lãi suất đã rõ
Theo ông Nguyễn Hưng, trong những tháng trước, để tồn tại các ngân hàng rơi vào tình trạng “luồn lách”, kể cả các ngân hàng lớn.
Để chấn chỉnh tình trạng trên ông Hưng cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã thông báo chủ trương quản lý trần lãi suất dưới 14% và được 12 ngân hàng lớn, trong đó có VP Bank, đồng thuận. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm xuống dưới 14% để giảm lãi suất cho vay.
“NHNN cũng kêu gọi hạ ngay lãi suất đối với một số đối tượng nhất định như sinh viên, nông nghiệp... Riêng VP Bank đưa “gói” 3.000 tỷ đồng cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất nông sản, lâm sản, y tế, giáo dục”, ông Hưng nói.
Trên thực tế, xu hướng giảm lãi suất đã xuất hiện từ đầu tháng 9, khi một số ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay. Ngày 5/9, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, sẽ giảm lãi suất cho vay sản xuất từ ngày 6/9/2011. Cụ thể, cho vay ngắn hạn không quá 18,0%/năm, cho vay trung dài hạn không quá 19,0%/năm. Đặc biệt, BIDV dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn đối với các khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực như: Thu mua nông thủy sản xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng dịch vụ khép kín tại BIDV, với lãi suất ưu đãi từ 15,0 - 17,5%/năm.
Quang cảnh hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ”. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Từ 5/9/2011, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tung ra chương trình "Tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" với lãi suất 17%/năm đến 18%/năm với kỳ hạn cho vay tối đa 6 tháng. Chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn được giải ngân từ đầu tháng 9/2011 đến hết tháng 2/2012. Trước đó, từ ngày 22/8/2011, Ngân hàng An Bình (ABBANK) đã triển khai chương trình tín dụng cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân vay tiền sản xuất kinh doanh tại ABBANK sẽ được giảm lãi suất 1,5%/năm.
Để giảm lãi suất, NHNN đã đề ra “gói” giải pháp. Trong đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 22, với một nội dung quan trọng là hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động của Thông tư số 13. Theo đó, việc điều chỉnh này nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa các tổ chức tín dụng thừa vốn và tổ chức tín dụng thiếu vốn, giúp các tổ chức tín dụng thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, NHNN cũng cam kết đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ.
“Tôi tin với việc lạm phát đang hạ dần, thì từ nay tới cuối năm, mặt bằng lãi suất sẽ hạ nhiệt”, ông Hưng nói.
Xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng VP Bank, trong thời gian tới, khi đưa mặt bằng lãi suất về mức 14%/năm, nếu ngân hàng nào vì phạm thì NHNN sẽ xử lý nghiêm.
“Khi tất các ngân hàng cùng đồng thuận mà vẫn vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm. Còn nếu nhiều ngân hàng phải “lách luật” thì khi đó sẽ có sửa đổi chính sách cho phù hợp”, ông Hưng nói về quan điểm của NHNN để xử lý tình trạng “lách luật” huy động vượt trần của các NHTM.
Các chuyên gia tại hội nghị cũng hy vọng, thời gian tới NHNN sẽ giảm bớt tác động hành chính, tạo điều kiện minh bạch hóa hoạt động của các ngân hàng và tiếp cận vốn của ngân hàng dễ dàng hơn.
Theo số liệu tại hội nghị, 8 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chưa quá 10%. Do vậy, với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 20% thì dư địa vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Chính phủ đã khẳng định năm 2012 vẫn là thắt chặt tiền tệ và cắt giảm đầu tư công. Như vậy, lượng cung tiền và lãi suất chưa hy vọng giảm nhiều. Doanh nghiệp vẫn phải sống trong 4 tháng tới với tình thế khó khăn.
Trong đó, “BĐS và xây dựng đặc biệt khó khăn, chỉ có nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu dễ thở hơn trong 4 tháng tới”, ông Hiển nói.
Hôm nay (7/9), NHNN sẽ tổ chức Hội nghị toàn ngành để triển khai các giải pháp nhằm hạ mặt bằng lãi suất. Các ngân hàng sẽ phải triển khai nghiêm túc các chính sách của NHNN và sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định này.