Hoạt động của các doanh nghiệp vận tải tại Bến xe Lương Yên. |
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, sau khi Sở ban hành văn bản yêu cầu các DN vận tải khẩn trương tính toán giá thành, thực hiện việc điều chỉnh, kê khai giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - GTVT ngày 10/9/2015, đến nay đã có 196/300 DN vận tải thuộc diện phải kê khai giá cước vận tải đã ký bản cam kết thực hiện kê khai giá cước theo đúng quy định và gửi báo cáo tới Sở Tài chính. Dự kiến, các DN còn lại sẽ hoàn thành kê khai trong tháng 9 này.
Tính từ đầu tháng 7 đến ngày 17/9 (thời điểm giá nhiên liệu liên tục giảm) đã có 39/89 DN taxi (chiếm 44%) kê khai giảm giá cước từ 4 - 10,2%; 11/61 DN vận tải tuyến cố định (chiếm 18%) kê khai giảm giá cước từ 1,82 - 11,12%.
Riêng có 2 DN vận chuyển hàng container đã kí cam kết giảm giá cước từ 6% - 8%. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Sở đang tiếp tục rà soát và yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai giá cước đúng quy định.
Riêng việc dán tem đồng hồ taxi, Sở GTVT đã có đề xuất Sở Tài chính đơn giản hóa thủ tục, để các DN taxi không mượn cớ phải in lại hóa đơn, sửa đồng hồ tính cước, dẫn đến việc kéo dài thời gian giảm giá cước sau mỗi lần giảm giá xăng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nếu không có biện pháp mạnh tay, quyết liệt từ các cơ quan quản lý Nhà nước, không ít DN vẫn “nghe ngóng” đợi khi giá xăng tăng để “lập lờ đánh lận con đen”. Sự chây ỳ của các DN vận tải phải chăng xuất phát từ sự thiếu quyết liệt trong kiểm soát giá cước của các cơ quan chức năng?
Trao đổi vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Do giá nhiên liệu chiếm 30 - 40% trong giá thành cước vận tải ô tô, nên nếu DN vận tải nào đã tăng giá cước từ đầu năm, mà đến nay chưa giảm hoặc giảm chưa tương xứng với mức giảm giá nhiên liệu là không thể chấp nhận được.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ GTVT, là sẽ kiểm soát chặt giá cước vận tải để đảm bảo đưa giá cước về mức phù hợp. Thời gian qua, liên Bộ Tài chính - GTVT đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát giá cước vận tải. Liên bộ đã lập 3 đoàn kiểm tra thực tế kê khai, niêm yết giá cước vận tải ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong tháng 9, sau khi có kết quả thanh tra sẽ xử lý dứt điểm DN nào không thực hiện việc giảm giá theo quy định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trên thực tế, giá cước của nhiều DN taxi đã giảm, còn giá cước vận tải hành khách đường dài lâu nay vẫn bắt buộc phải niêm yết giá vé. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là xử lý các DN vận tải vi phạm phải thông qua các hiệp hội vận tải. Các hiệp hội vận tải đã thống nhất với nhau và được quyền đưa ra khung giá phù hợp.
Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ phải kiểm tra từng DN, đối chiếu với khung giá của hiệp hội, rà soát toàn bộ các yếu tố đầu vào, trong đó có giá nhiên liệu, nếu phát hiện DN nào có giá cước ngoài khung hoặc không điều chỉnh sau khi có biến động giá đầu vào thì giao trách nhiệm cho sở GTVT xử lý theo quy định.
Việc xác định vi phạm của DN cũng không dễ vì các cơ quan chức năng phải thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động trong một thời gian nhất định, cả vấn đề đóng thuế của DN, sau đó mới kết luận vi phạm và đưa ra hình thức xử lý.
Bộ GTVT vừa gửi công văn yêu cầu các sở GTVT đôn đốc, kiểm tra các đơn vị vận tải thực hiện kê khai và niêm yết giá cước phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu để đảm bảo quyền lợi của người dân và báo cáo kết quả triển khai thực hiện trước ngày 30/9.
Sau khi có kết quả, DN nào vi phạm sẽ bị xử phạt, trong đó mức xử phạt cao nhất là tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, nếu tái phạm nhiều lần sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai DN vi phạm để người tiêu dùng “tẩy chay”.
Nhìn lại diễn biến tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay có thể thấy, dư luận đã rất nhiều lần lên tiếng về việc giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng giá cước vận tải lại không giảm.
Cách đây hơn 2 tháng, Bộ GTVT cũng đã có những động thái tương tự, yêu cầu các địa phương rà soát việc kê khai niêm yết giá cước, tổ chức các đoàn kiểm tra giá cước vận tải trên cả nước và cũng khẳng định sẽ xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, người dân vẫn không biết các DN thực hiện đúng sai thế nào, có DN nào sai phạm trong kê khai giá cước và bị xử lý hay không, còn giá cước trên thị trường thì vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Vậy tác dụng của các đợt kiểm tra, thanh tra DN đó là gì, phải chăng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nương tay, hoặc lúng túng trong xử lý do thiếu văn bản quy phạm, thiếu chế tài?. Vì vậy, đối với đợt kiểm tra mới nhất này, người dân hy vọng cơ quan chức năng sẽ có thông tin công khai trước dư luận, để các DN vận tải hết “nhờn”, còn người dân không bị móc túi.