Không ít thương hiệu điện máy lớn đã đầu tư về các huyện ngoại thành hay các tỉnh, nơi người dân chưa có nhiều cơ hội chọn lựa các sản phẩm này.
“Lối thoát” giúp giữ doanh số
Tình trạng bão hòa các siêu thị điện máy đã được báo Tin Tức phản ánh từ lâu. Mới đây, một siêu thị điện máy lớn của Hà Nội đã quyết chí “Nam tiến” vào TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên chẳng được bao lâu đã thất bại. Các chuyên gia đánh giá việc lựa chọn địa điểm không phù hợp đã dẫn đến thất bại này. Khi một con đường có đến 2 - 3 siêu thị điện máy thì khả năng bán hàng sẽ rất khó khăn. Hiện nay, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có đến hàng trăm các siêu thị điện máy lớn nhỏ. Dù dân số đông nhưng không vì thế mà mãi lực có thể tốt như trước.
Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định: “Vòng đời của các mặt hàng điện máy rất dài. Ví dụ như ti vi có khi 10 năm mới phải thay một lần. Do vậy, chu kỳ tiêu dùng hàng điện máy ồn ã đã qua”.
Để giải bài toán này, một số DN điện máy đã đầu tư về các tỉnh để đón luồng cầu còn rất lớn của người dân nơi đây.
Ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh cho biết, trong quý III tới sẽ liên tiếp đưa vào hoạt động 5 siêu thị mới tại thị trường miền Bắc và miền Trung, nâng tổng số siêu thị điện máy của hệ thống này lên con số 28. Cụ thể là 2 siêu thị tại Đà Nẵng (đây là thương hiệu điện máy miền Bắc đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng) và 3 siêu thị tại Hải Phòng, Yên Bái và Bắc Ninh. Tất cả đều có quy mô lớn 3.000 - 5.000 m2.
“Trước đó, chúng tôi đã khai trương 3 siêu thị tại Lạng Sơn, Đông Anh (Hà Nội) và Thái Bình. Như vậy, Trần Anh đã hoàn thành gần 80% kế hoạch mở rộng quy mô. Với tốc độ mở rộng này, Ban lãnh đạo Công ty Trần Anh dự kiến sẽ trình Hội đồng quản trị cho phép điều chỉnh tăng thêm số lượng siêu thị mở mới trong năm 2016”, ông Đạt cho hay.
Người dân tấp nập mua sắm tại siêu thị Trần Anh - Thái Bình mới khai trương. |
Theo ghi nhận, các siêu thị mở mới tại các tỉnh đều được rất nhiều khách hàng quan tâm bởi họ không có nhiều cơ hội được mua sắm tại những siêu thị lớn chuyên về điện máy, điện lạnh, đồ gia dụng… Bình thường, để mua được các sản phẩm này, người dân phải đến những cửa hàng nhỏ lẻ và các dịch vụ hậu mãi cũng không tốt.
“Trước đây, doanh số của một điểm bán hàng tại Hà Nội thường cao hơn điểm bán hàng tại tỉnh khoảng 20%. Tuy nhiên hiện nay, doanh số đã tương đương nhau. Chưa kể vào các mùa mua sắm cao điểm như lễ Tết, mùa hè… thì sức mua tại tỉnh còn sôi động hơn cả thị trường Hà Nội”, ông Đạt so sánh.
Anh Đoàn Tuấn Cường (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, ngay khi biết tin Trần Anh mở siêu thị tại TP Thái Bình, anh cùng gia đình đã đến mua ti vi và tủ lạnh. Thái độ phục vụ của nhân viên tại đây rất tốt nên gia đình anh hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Đưa sản phẩm điện máy về các tỉnh, huyện ngoại thành cũng là cách làm đang được nhiều DN điện máy khác áp dụng như Thế giới di động mở 70 siêu thị Điện máy Xanh trong năm 2015, trong đó nhiều siêu thị tại các huyện ven đô, tỉnh miền núi… Siêu thị DigiCity mở siêu thị tại huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội)...
Thận trọng từng bước đi
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tìm kiếm và đầu tư những thị trường mới là cần thiết nhưng đòi hỏi DN phải có những bước đi vững chắc bởi thị trường mới đi liền với rủi ro. Nếu không có những nghiên cứu đầy đủ về nhu cầu, thị hiếu của người dân cũng như phong cách kinh doanh tại thị trường mới thì DN vẫn có thể bị thất bại.
Hơn nữa, việc kinh doanh trong môi trường hoàn toàn khác biệt sẽ khiến DN gặp nhiều khó khăn: Từ đảm bảo logistics hoạt động trơn tru đến tuyển dụng nhân sự, đảm bảo nguồn hàng hóa và đặc biệt là hiểu tâm lý khách hàng địa phương… Ngay yếu tố khí hậu cũng quyết định đến chiến lược kinh doanh của các DN. Chẳng hạn với những vùng khí hậu mát mẻ, ổn định thì các loại hàng hóa điện máy được bán sẽ khác với vùng khô nóng, khí hậu cực đoan…
Hiện tại, Điện máy Xanh đi theo hướng thu hẹp diện tích nhằm tối ưu chi phí kinh doanh còn Trần Anh lại đi theo hướng “đại siêu thị”. Trong quá trình mở rộng hệ thống, Điện máy Xanh tập trung hướng đến nông thôn và trung tâm các tỉnh lẻ, đặc biệt tiến tới bao phủ miền Bắc. Việc phân bố dày và sâu trong các vùng dân cư sẽ mang lại tiện lợi cho khách hàng trong việc bảo hành và bảo dưỡng sản phẩm, nhất là đối với những mặt hàng “cồng kềnh” như điện máy.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Công ty Thế giới di động (chủ thương hiệu Điện máy Xanh), chia sẻ: “Hiện tại Hà Nội có trên 50 trung tâm bán lẻ điện máy lớn nhỏ. Đây là một con số tương đối lớn. Tuy nhiên, tại các tỉnh khác thì con số này còn rất khiêm tốn. Do đó, chúng tôi tập trung cho thị trường miền Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của khu vực này”.
Còn Trần Anh lại hướng tới mô hình đại siêu thị. Theo ông Ngô Thành Đạt, mở siêu thị lớn thì chi phí sẽ tốn kém hơn nhưng DN sẽ có điều kiện để “tích hợp” các dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng mà siêu thị nhỏ không thể đáp ứng được như: khu vui chơi dành cho trẻ em, khu trải nghiệm sản phẩm, khu đỗ xe rộng rãi… Mục tiêu cuối cùng là tạo sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ khách hàng.
Tuy nhiên theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, để tránh rủi ro, các DN nếu trường vốn, không phải đi vay ngân hàng hoặc có đối tác mạnh đứng đằng sau thì mới nên tính đến việc mở rộng song vẫn phải hết sức cân nhắc. Điều quan trọng nữa là phải tìm được những điểm đặc biệt có thể cạnh tranh được với đối thủ.