Siêu thị nội chịu nhiều sức ép - Bài cuối

Trong khi các DN ngoại phát triển các đại siêu thị với quy mô lớn thì DN trong nước rất khó để cạnh tranh trực tiếp theo cách đó. Cách làm của Vingroup là phát triển mô hình siêu thị mini tiện ích, rải khắp thành phố để tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng nhất.

TÌM LỐI ĐI TRONG KHÓ KHĂN

Tuy cạnh tranh với siêu thị ngoại là không dễ dàng nhưng theo các chuyên gia thương mại, siêu thị nội vẫn có cách để tồn tại và phát triển. 

Phát triển thị trường ngách

Khi làn sóng mua bán, sáp nhập ngày càng mạnh, Tập đoàn Vingroup, đầu tháng 10/2014 đã mua lại 70% cổ phần của Công ty Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương - Ocean Retail, DN quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Giá trị của thương vụ này lên tới 570 tỷ đồng. Sau đó, Vingroup đã đổi tên DN này thành CTCP Siêu thị VinMart và ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên VinMart và VinMart+ của riêng mình với quy mô rộng khắp. Ngày 10/4 năm ngoái, Công ty CP Siêu thị VinMart đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Đây được xem là một bước đi mới của Vingroup nhằm xâm chiếm thị trường bán lẻ dệt may, thời trang tại Việt Nam.

Siêu thị Hapro mở điểm bán hàng tại khu vực nông thôn ở Ứng Hòa, Hà Nội.

Trong khi các DN ngoại phát triển các đại siêu thị với quy mô lớn thì DN trong nước rất khó để cạnh tranh trực tiếp theo cách đó. Cách làm của Vingroup là phát triển mô hình siêu thị mini tiện ích, rải khắp thành phố để tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng nhất.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các siêu thị nội cần có chiến lược hướng đến khu vực nông thôn. Thực tế hiện nay, các siêu thị ngoại mới chiếm lĩnh được thị trường tại các thành phố lớn mà chưa “với tay” đến khu vực nông thôn. Thị trường nông thôn rất rộng lớn. Tuy thu nhập không cao như thành phố nhưng người dân lại có tâm lý tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao, đồng thời nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu cũng rất lớn.

Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những DN đã chọn cách làm là tiếp cận thị trường nông thôn. Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hapro đã tổ chức 1.2 chuyến bán hàng tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất và bán hàng chính sách tại các huyện miền núi. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết: Việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tiêu thụ đã tạo điều kiện để DN thay đổi định hướng kinh doanh của mình. Từ những thành công của DN cho thấy, nông thôn là thị trường khá hấp dẫn với sức mua lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.

Tận dụng lợi thế sân nhà

Phân tích về những lợi thế sân nhà của siêu thị nội, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho rằng, siêu thị nội am hiểu thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam, có lợi thế về mạng lưới thương mại sẵn có, có các thương hiệu quen thuộc trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, những lợi thế đó cũng không bù đắp nổi một số điểm yếu của hệ thống bán lẻ Việt Nam.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương đã tham mưu, kiến nghị Chính phủ xây dựng nhiều bộ luật như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ hàng hóa và người tiêu dùng trong nước. Để giúp các DN bán lẻ Việt Nam vượt qua khó khăn, cần ban hành một chiến lược phát triển tổng thể thị trường bán lẻ Việt Nam với sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và những kế hoạch hành động thiết thực cho từng DN. Đồng thời, DN cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực theo hướng hoàn thiện kỹ năng, phục vụ chuyên nghiệp.

Đa số các DN bán lẻ quy mô vừa và nhỏ, ít vốn vì phụ thuộc vào vay ngân hàng 60 - 70%. Chi phí vay cao hơn các DN ngoại 3 - 4%/năm. Trong khi đó, nhiều đơn vị chưa có chiến lược kinh doanh bài bản, nguồn nhân lực chưa được đào tạo đầy đủ, trình độ quản trị DN yếu. Đặc biệt, mối liên kết giữa các DN với nhau, giữa sản xuất và phân phối còn manh mún nên giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, khó cạnh tranh với hàng trong siêu thị ngoại.

“Để các DN bán lẻ Việt Nam đứng vững trên sân nhà, không có cách nào khác là phải tự đổi mới chính mình, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nhân lực kết hợp ý thức phục vụ khách hàng. Mặt khác, các nhà bán lẻ Việt Nam nhiều khi đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu mà không biết cách kiếm lợi nhuận từ chính sự hài lòng của người mua. Cần chú trọng chăm sóc khách hàng để họ ‘móc tiền’ ra mà vẫn cảm thấy vui vẻ, hài lòng”, ông Phú nói.

Theo các chuyên gia, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy hoạch hệ thống siêu thị. Các siêu thị ngoại lớn cần đẩy ra khu vực vùng ven đô thị bởi nếu nằm ngay trung tâm thì siêu thị nội không thể cạnh tranh được. Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản, mở cửa từng phần và có lộ trình, vừa tạo áp lực cạnh tranh vừa giúp DN có đủ thời gian để đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Siêu thị nội chịu nhiều sức ép - Bài 1
Siêu thị nội chịu nhiều sức ép - Bài 1

Siêu thị ngoại ngày càng mở rộng, thâu tóm thị trường bán lẻ trong nước đang khiến các siêu thị nội trở nên lép vế hơn. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, làm thế nào để siêu thị nội có thể giữ được thị phần trong nước, không để rơi vào tay các đối thủ nước ngoài là vấn đề đang rất được quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN