Thị trường TP Hồ Chí Minh đang bước vào những ngày mua sắm lớn nhất trong năm phục vụ cho lễ, Tết. Trong khi các siêu thị tấp nập người mua sắm vì có chương trình bình ổn giá, thì các cửa hàng nhỏ vắng bóng người mua vì… giá cao.
Siêu thị tràn ngập hàng bình ổn giá
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cao điểm mùa mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp (DN) đang tích cực dự trữ nguồn hàng hạn chế tình trạng khan hàng đẩy giá. Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, DN đã tăng lượng hàng bình ổn lên gấp 3 lần so với cam kết với Sở Công Thương.
Hiện tổng lượng hàng bình ổn là 30.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn lương thực, 11.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, 2.000 tấn thực phẩm chế biến và 7.000 tấn rau, củ, quả. Hệ thống siêu thị Big C cũng đang chuẩn bị đưa vào phục vụ Tết khoảng 100 tấn thịt nguội, 130 tấn mứt kẹo truyền thống, 500 tấn dưa hấu, bưởi, bắp cải… Riêng Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan cũng cho biết chuẩn bị cho Tết 2.060 tấn thịt heo các loại…
Giá tăng cao, người tiêu dùng chưa vội đi sắm Tết. Ảnh: Lê Nghĩa |
Ngoài nguồn hàng phong phú, Big C cam kết giá sẽ không biến động trong suốt quá trình phục vụ mua sắm Tết, trong đó sẽ kéo dài chương trình "Wow! Giá hấp dẫn" cho những loại hàng hóa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như bia, bánh, lạp xưởng, dầu ăn, đồ uống, thịt nguội…
Đồng thời sẽ có 7 chương trình khuyến mãi kéo dài từ ngày 15/12/2010 đến 2/2/2011 với giá cả hấp dẫn, giảm giá đến 50% gần 3.000 sản phẩm chủ đạo Tết nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Bắt đầu từ ngày 15/12/2010 và kéo dài đến hết Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị Co.opMart liên tục thực hiện những chương trình khuyến mãi lớn như: Tưng bừng lễ hội năm mới, Mua sắm Tết - chất lượng và tiết kiệm, Tết Việt đến mọi nhà … Không chỉ tập trung khu vực thành thị, đối với thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa và KCN - KCX, trong thời gian Tết Tân Mão 2011, Sở Công Thương thành phố đã chỉ đạo hệ thống siêu thị Co.opMart tổ chức hơn 300 chuyến bán hàng lưu động (tăng hơn 30% so với cùng kỳ), chủ yếu bán nhu yếu phẩm, được sản xuất trong nước, có giá rẻ hơn 10 - 20% so với giá ngoài thị trường.
Cửa hàng, cửa hiệu vắng vẻ
Là đầu mối bán sỉ hàng hóa cho các tỉnh khu vực miền Tây, đã sát đến ngày Tết nhưng các chợ đầu mối Bình Tây, An Đông… vẫn thưa vắng người đến mua hàng. Chị Hà, chủ một sạp chuyên bán mứt, bánh kẹo ở chợ An Đông than thở: "Năm trước em chuẩn bị 30 - 40 tấn mứt Tết phục vụ cho bạn hàng đi tỉnh nhưng vẫn không đủ để bán. Lường trước tình hình khó khăn, năm nay em chỉ dám lấy hơn phân nửa nhưng đang lo bán không hết".
Theo nhiều tiểu thương, tại đây, giá các loại mứt đang tăng bình quân 25%, cá biệt có loại nhập khẩu từ nước ngoài tăng 35 - 45%. Giá nhiều loại bánh hộp giấy, hộp thiếc trong nước cũng tăng từ 8 - 15%...
Đón Tết Tân Mão 2011, Công ty Kinh Đô dự kiến đưa ra thị trường gần 35 triệu hộp sản phẩm bánh kẹo các loại phục vụ người tiêu dùng, tăng 15% sản lượng so với dịp Tết 2010, trong đó dòng sản phẩm cao cấp tăng 40% sản lượng so với cùng kỳ.
Về giá cả, đại diện Kinh Đô cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bán sản phẩm sẽ tăng khoảng 12% so với Tết năm ngoái. Tương tự, Công ty Trí Đức (nhãn hiệu mứt Lạc Xuân) cho biết giá mứt đang tăng khoảng 20 - 30%.
Tại các siêu thị, khảo sát của phóng viên cho kết quả, giá hàng hóa cũng tăng khoảng 15% so với cùng thời điểm năm 2009. Ngoài các nhóm hàng thuộc diện bình ổn giá, chỉ tính từ đầu tháng 12 đến nay đã có hàng chục mặt hàng thuộc nhóm hàng đường, sữa nước, dầu ăn, bia rượu... tăng giá từ 10 - 20% so với cuối tháng 11.
Khu vực chợ đầu mối rau quả Tam Bình, từ tháng 10, các thương lái đã bắt đầu bỏ vốn cho người sản xuất chuẩn bị nguồn hàng Tết. Hiện lượng rau về chợ bắt đầu tăng lên mức 3.600 tấn/ngày, cao hơn so với ngày thường và giá đang có xu hướng tăng nhẹ. Riêng giá thịt lợn tại các chợ đầu mối vẫn giữ mức tăng cao từ đầu tháng 12 với mức từ 45.000 - 50.000 đồng/kg và dự kiến khó tăng thêm.
Lê Nghĩa