Theo đó, cả nước có 1,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là trên 1,73 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1,254 triệu lao động. Như vậy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 5,2%; vốn đăng ký tăng 17,1% và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, nếu tính cả 2,273 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 40,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là trên 4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018.
Nhận định về số doanh nghiệp thành lập mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội. Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu. Đây cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Từ đó, trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn là rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình phải đạt khoảng 5-10%).
Nhằm phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia,…