Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, điều cần thiết nhất lúc này là cần sớm ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để “siêu ủy ban” chính thức được vận hành.
Lỗ vì giám sát kém
Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh doanh nghiệp (CIEM) Phạm Đức Trung cho biết, từ năm 2011-2016, dù đã có cơ chế giám sát nhưng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đều theo xu hướng giảm.
Báo cáo của CIEM cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước giảm liên tục, ở mức 39% trong giai đoạn năm 2011 - 2016. Tỷ trọng doanh nghiệp thua lỗ không giảm, trong khi vẫn còn 23 tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ, với tổng lỗ lũy kế trên 17 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, việc hỗ trợ, xử lý các dự án kém hiệu quả chưa đạt được như mong muốn...
Nguyên nhân là do không có tính thống nhất về nội dung giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; thiếu quy định cụ thể, nội dung giám sát bị chia cắt theo lĩnh vực; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng, đặc biệt là thiếu trách nhiệm giải trình.
Nhận định về những nguyên nhân giám sát vốn còn yếu kém, ông Trung cho rằng, hiện có nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát nhưng lại thiếu thống nhất về khái niệm, phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu, gây chồng lấn giữa các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra.
“Mỗi bộ, cơ quan tham gia với nội dung giám sát khác nhau, tách thành nhiều mảng nên không có cơ quan nào đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp một cách đầy đủ, toàn diện và hiệu quả”, ông Trung cho biết.
Đáng chú ý, đang có sự “vênh” nhau rất lớn từ các nguồn số liệu, thiếu thông tin cập nhật về tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm cho cơ quan quản lý không nắm bắt được hiệu quả thực tế của nguồn vốn nhà nước đang đầu tư.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai cũng bộc lộ những tồn tại như: thiếu thông tin đủ tính xác thực và cập nhật về tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, sự né tránh của lãnh đạo doanh nghiệp... dẫn đến hệ quả là không bảo đảm yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.
Hiện các doanh nghiệp nhà nước mới chỉ áp dụng chế độ báo cáo 6 tháng, 1 năm, mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu theo dõi thường xuyên, liên tục của hoạt động giám sát.
“Chúng ta đang sử dụng bộ máy giám sát "không chuyên", cán bộ thường kiêm nhiệm nhiều công việc, không cập nhận thường xuyên các sai sót, kịp thời nhận biết các nguy cơ và còn xem nhẹ quản trị rủi ro”, ông Trung nhấn mạnh.
Là một cổ đông của nhà máy sản xuất phân bón hàng đầu cả nước với giá trị cổ phần khoảng 300 tỷ đồng, ông Trương Văn Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Nghệ An nêu ra những bất cập trong quản lý vốn ở doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử, ngay tại nhà máy mà ông là cổ đông, những năm gần đây chi phí quản lý bộ máy lớn hơn cả chi phí sản xuất.
“Bộ máy quản lý quá cồng kềnh, nhiều chi phí không cần thiết như: quảng cáo sản phẩm khiến lãi của nhà máy giảm dần. Trong khi, nhiều vị trí trong hội đồng thành viên, đại diện vốn nhà nước làm việc không hiệu quả nhưng chi phí lương của họ rất lớn”, ông Hiền cho biết.
Cần sớm ban hành Nghị định của “siêu ủy ban”
Lỗ hổng về giám sát, quản lý vốn nhà nước kỳ vọng sẽ có bước thay đổi sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, hay còn gọi là “siêu ủy ban”, chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Được thành lập vào đầu tháng 2/2018, nhưng đến nay, sau 6 tháng được thành lập, Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của “siêu ủy ban” vẫn chưa được ban hành. Vì thế, cơ quan này chưa chính thức đi vào hoạt động. Điều đó đồng nghĩa với việc chưa có danh sách cuối cùng các doanh nghiệp được chuyển giao về “siêu ủy ban”.
So với dự thảo lần 1, số lượng doanh nghiệp dự kiến chuyển giao về “siêu ủy ban” có biến động khá lớn, từ chỗ 30 tập đoàn, tổng công ty thì hiện chỉ còn 19 tập đoàn, tổng công ty. Số vốn dự kiến được chuyển giao về “siêu ủy ban” là rất lớn, lên đến khoảng 820 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước và 1,5 triệu tỷ đồng tài sản doanh nghiệp, tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài sản của khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, để kiểm soát tốt nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc, các giải pháp công nghệ phải được áp dụng triệt để trong vận hành “siêu ủy ban”, sản xuất, quản trị doanh nghiệp cũng phải minh bạch hơn và việc ra quyết định phải dựa trên những dữ liệu lớn.
Tuy nhiên, theo ông Cung, khi xây dựng hệ thống thông tin giám sát hiện đại để quản lý vốn là bước tiến lớn, nhưng để làm được điều này phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có nhập dữ liệu để đánh giá hay không. Ông Cung cho rằng, thẩm quyền Ủy ban phải mạnh hơn thì mới thực hiện được điều này. Nếu không tạo những điều kiện, công cụ, quyền lực, nhân lực và động lực thì sẽ có những hạn chế và sẽ không đạt được kỳ vọng.
"Điều cần thiết nhất lúc này là cần nhanh chóng đưa ủy ban đi vào hoạt động để ổn định tình hình của các doanh nghiệp nhà nước", ông Cung nhấn mạnh.
“Trong khung khổ giám sát của cơ quan chủ sở hữu, giám sát phải là công việc thường xuyên, liên tục. Do đó, Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu phải chủ động phối hợp xây dựng các tiêu chí giao cho doanh nghiệp, vừa tạo cơ sở cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, vừa là căn cứ để đánh giá doanh nghiệp nhà nước. Các tiêu chí đánh giá gồm tài chính và phi tài chính. Chỉ tiêu đánh giá cần đa dạng nhưng phải có mức độ quan trọng đối với từng doanh nghiệp”, ông Phạm Đức Trung cho biết.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, “Chừng nào tài sản nhà nước chưa gắn với trách nhiệm cá nhân thì việc giám sát chưa hiệu quả. Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể như hiện nay đang che mờ trách nhiệm cá nhân… Mấu chốt vấn đề của giám sát phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng và thiết kế chính sách để cá nhân chịu trách nhiệm”, ông Thiên nói.