Sớm giải quyết bức xúc của các doanh nghiệp xe khách tuyến

Dư luận Hà Nội đang “nóng” vấn đề doanh nghiệp vận tải hành khách phản đối việc điều chuyển luồng tuyến xe khách tại Hà Nội, khiến Bộ GTVT và lãnh đạo thành phố phải đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng của Thủ đô, vì cần ưu tiên lợi ích văn minh đô thị và hạn chế ùn tắc.

Nhiều xe khách xuất bến Giáp Bát chỉ có vài khách trên xe. Ảnh: Tiến Hiếu.

Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp


Từ ngày 2/1/2017, thực hiện chủ trương điều chuyển luồng tuyến xe khách của TP Hà Nội nhằm giảm ùn tắc, tránh xe khách đi xuyên tâm thành phố, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã điều chuyển 623 tuyến xe cố định tại các bến xe của Hà Nội. Theo đó, Hà Nội điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình tại Bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng về Bến xe Nước Ngầm. Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái tại Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa về Bến xe Mỹ Đình... 

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang, việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh trên đảm bảo đúng mục đích, cải thiện được tình trạng ùn tắc trên đường vành đai 3, khu vực các Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm. Tuy nhiên đến nay, sau gần 2 tháng điều chuyển, hàng loạt doanh nghiệp vận tải xe khách hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm phản đối luồng tuyến mới, kiến nghị Chính phủ về tình trạng lượng khách sụt giảm, thua lỗ, cũng như bị “bủa vây” bởi “xe dù, bến cóc”, đang đẩy các doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. 

Ngày trong tuần đầu tháng 3/2017, lực lượng chức năng thành phố đã xử phạt hàng trăm trường hợp xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên các tuyến đường vành đai 3, Pháp Vân - Cầu Giẽ, xung quanh khu vực các Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát. Các xe này chủ yếu gắn phù hiệu xe hợp đồng, nhưng lại chạy tuyến cố định.

Theo phản ánh của các nhà xe Phiệt Học (Nghệ An), Mạnh La (Thái Bình), Hà Sơn Hải (Thanh Hóa), Nam Trực (Nam Định)... từ khi thực hiện điều chuyển, các nhà xe này đều rất ít khách, liên tục xuất bến trong tình trạng chỉ có 1 - 2 khách/chuyến. Xe nào nhiều chỉ có được 5 khách. Mặc dù các nhà xe đều đã đồng loạt giảm giá, nhưng lượng khách vẫn không tăng, dẫn đến các nhà xe thua lỗ nặng. 

Chủ nhà xe Phiệt Học, ông Trương Hữu Thảo chia sẻ: “Doanh nghiệp vay vốn ngân hàng gần 20 tỷ đồng đầu tư xe, nhưng tiếp tục chạy như thế này chỉ có nước phá sản. Vắng khách chủ yếu là do xáo trộn luồng tuyến, “xe dù, bến cóc” bủa vây Bến xe Nước Ngầm và hiện chưa có xe buýt chở khách từ Mỹ Đình về Nước Ngầm...”. Do vậy, các nhà xe đều mong muốn được trở lại Bến xe Mỹ Đình hoạt động... 

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết: Chủ trương điều chuyển luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh, nhằm giảm ùn tắc, trước hết cho vành đai 3, hạn chế xe chạy xuyên tâm thành phố. Giải pháp này không vì bất cứ lợi ích riêng nào và cơ bản các nhà xe đã chấp hành. Việc điều chuyển giai đoạn đầu chắc chắn sẽ khó khăn cho các nhà xe. Thành phố và Sở GTVT đang tiếp tục cùng doanh nghiệp xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ giảm chi phí cho các nhà xe và liên kết các tuyến xe buýt đến bến xe để tăng lượng khách. 

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết: Bến xe đang tiếp tục hỗ trợ các nhà xe trong diện điều chuyển về. Cụ thể, giảm 20% phí dịch vụ xe ra vào bến cho các xe chạy tuyến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An; miễn giảm toàn bộ các chi phí dịch vụ vận tải khác như tiền thuê quầy vé, hoa hồng bán vé... Còn theo Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) Đào Việt Long, thời gian tới các bến xe sẽ được đưa ra ngoài các đường vành đai. Năm 2018, hai bến xe mới là Thanh Trì, Cổ Bi được đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho các Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, giảm tải một phần cho các bến Mỹ Đình, Nước Ngầm. 

Xử nghiêm xe dù, bến cóc 

Sau cuộc đối thoại “nảy lửa” giữa các doanh nghiệp bị điều chuyển tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm mới đây, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã cam kết sẽ tổ chức ngay các tuyến buýt kết nối hai bến xe vào hoạt động. 

Lãnh đạo thành phố cho biết cũng đã trực tiếp thị sát các bến xe và khẳng định khó khăn của doanh nghiệp là đúng. Do vậy, thành phố sẽ giao cho công an và thanh tra giao thông huy động tối đa quân số tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình đón khách xung quanh khu vực Bến xe Nước Ngầm, nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ. “Xe nào đón khách sai quy định, đón khách dọc đường nếu bị phát hiện sẽ giữ xe luôn. Tuyến buýt kết nối Bến xe Mỹ Đình với Bến xe Nước Ngầm cũng sẽ sớm triển khai. Hành khách di chuyển trên tuyến buýt này được phép mang hành lý phù hợp, giá vé như xe buýt nội thành”, ông Hùng cho biết. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng nhận định: Nếu Bến xe Mỹ Đình phát triển rộng hơn nữa và có tuyến đường chạy song song với đường vành đai 3, thì sẽ không phải điều chuyển luồng tuyến. Tuy nhiên, Bến xe Mỹ Đình hiện quá chật, lại có cả xe chạy tuyến phía Bắc và phía Nam, nên đã quá tải so với thực tế. Vì vậy, sau điều chuyển luồng tuyến, việc sớm đưa vào vận hành tuyến buýt kết nối chỉ chạy từ Bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm sẽ giải quyết được bức xúc hiện nay. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng về các kiến nghị của doanh nghiệp; giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khảo sát cụ thể lượng khách, hoạt động của các nhà xe tại Bến xe Nước Ngầm, Mỹ Đình để đề xuất điều chỉnh hợp lý. Song các doanh nghiệp khi thực hiện điều chuyển cần tôn trọng các quy định của pháp luật. 

Đăng Sơn
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các nhà xe giải tán đình công
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các nhà xe giải tán đình công

Trước tình hình các nhà xe ở Thái Bình, Nam Định tổ chức hơn 100 xe khách tiến về Hà Nội để đình công kêu cứu, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có mặt tại trạm thu phí trên Đường cao tốc Pháp Vân để đối thoại với các nhà xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN