Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, sau một tháng theo dõi vận hành công trình cũng như tiếp nhận một số thông tin phản ánh bất cập trên tuyến, đặc biệt là tình trạng cắm biển báo hiệu hạn chế tốc độ nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, xử lý các vướng mắc.
Cụ thể, tại buổi kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận việc quản lý bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường được thực hiện tốt; trong đó vệ sinh, phát quang, quản lý hàng rào bảo vệ được chú trọng. Trên tuyến không phát sinh các vị trí mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do không có giao cắt cùng mức, tầm nhìn không bị hạn chế.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá, đoạn tuyến đi qua khu vực vườn quốc gia Bạch Mã có lượng mưa hàng năm rất lớn, mùa mưa thường có sương mù nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ đạo đơn vị quản lý trong quá trình khai thác phải rà soát để bổ sung các biển cảnh báo lái xe chú ý giảm tốc độ khi đoạn tuyển qua khu vực địa hình đổi núi quanh co, điều kiện mặt đường trơn trượt, tầm nhìn hạn chế do sương mù.
Tại vị trí lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ 60 km/h, ông Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá, trong điều kiện tuyến qua khu vực bán kính đường cong nhỏ, địa hình hiểm trở, núi cao vực sâu, xa khu dân cư, nhiều đoạn chưa được phủ sóng điện thoại nên việc hạn chế tốc độ theo hướng an toàn là phù hợp.
“Tuy nhiên, tuyến đường thông thoáng, lưu thông êm thuận, một số đoạn tuyển cắm quá nhiều hoặc giới hạn tốc độ quá dài (có đoạn dài từ 3 - 4 km) dễ gây ức chế cho người điều khiển phương tiện, nhất là ô tô con”, ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, có những vị trí đảm bảo điều kiện thì sẽ tháo dỡ biển hạn chế tốc độ, có những vị trí sẽ điều chỉnh giá trị trên biển và hạn chế cho một số loại xe cụ thể. Một số đoạn quá dài thì sẽ điều chỉnh theo hướng rút ngắn chiều dài hạn chế tốc độ; các đoạn, vị trí được điều chỉnh biển hạn chế tốc độ sẽ nghiên cứu để bổ sung các biến cảnh báo để nâng cao an toàn giao thông.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, tốc độ thiết kế là tốc độ được dùng để tính toán các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu trong trường hợp khó khăn, bất lợi nên không phải lúc nào cũng đồng thời là tốc độ cho phép lưu hành.
Về vấn đề quản lý, duy tu và vận hành trên tuyến đường này, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III cho biết, ngay sau khi tuyến được đưa vào khai thác đơn vị đã chỉ đạo các chi cục quản lý đường bộ phụ trách tăng cường nhân lực, con người để đảm bảo lưu thông trên tuyến thông suốt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận, do dự án đi qua nhiều khu vực dân cư và vùng xuất của bà con nên việc quản lý trên tuyến rất phức tạp. Do đó, các đơn vị chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền bà con chấp hành đúng quy định pháp luật, không tự ý mở rào để đi vào đường cao tốc này.
Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nằm trong quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 từ La Sơn đến Hòa Liên chỉ có 2 làn xe; trong đó xây dựng hoàn chỉnh hệ thống biển báo hiệu, hàng rào, hầm chui dân sinh, không giao cắt cùng mức.
Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải quyết định cho phép đưa vào khai thác theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ tối đa cho phép 80 km/h.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo rà soát chỉnh sửa các biển chỉ dẫn có ký hiệu, thông tin liên quan đến đường cao tốc kết hợp biển chỉ dẫn (thông tin tuyến đường, tốc độ khai thác tối đa cho phép 80 km/h) cho phù hợp quy mô đầu tư giai đoạn 1 nhằm tránh hiểu nhầm.
Đại diện các cơ quan thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, cần điều chỉnh biển hạn chế tốc độ ở một số vị trí theo từng tiêu chí cụ thể, làm sao đó để vừa đảm bảo an toàn giao thông, phát huy được hiệu quả đầu tư, khai thác của tuyến đường.
Trước khi tuyến đường chưa đưa vào khai thác, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã nhiều lần kiểm tra và chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát các điều kiện để tuyến đường này vận hành an toàn, phát huy ý nghĩa kinh tế - xã hội của dự án.
Về vấn đề cứu hộ, cứu nạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động liên hệ với các nhà mạng di động sớm phủ sóng điện thoại trên tuyến, phục vụ cứu nạn cứu hộ và đảm bảo tuyến đường lưu thông thông suốt, đặc biệt là trong mùa mưa.
Đến nay, diện phủ sóng di động đã được nâng lên nhiều so với thời điểm đoạn tuyến chưa đưa vào khai thác. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiếp tục phối hợp để toàn tuyến sớm được phủ sóng.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan khởi công ngày 22/12/2013, tổng chiều dài toàn tuyến 77,5 km nối từ ngã ba La Sơn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BT, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Đến giữa tháng 4/2022, đoạn La Sơn - Hòa Liên chính thức đưa vào khai thác.
Còn đoạn Hòa Liên - Túy Loan được Thủ tướng Chính phủ đồng ý dừng đầu tư để đầu tư bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải. Tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan. Hiện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang chuẩn bị dự án, dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công dự án này để đảm bảo thông tuyến và khai thác đồng bộ cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới…