Tuy nhiên, để đạt mục tiêu về tỷ lệ vật liệu xây không nung theo lộ trình đã đề ra vẫn cần sự trợ giúp quyết liệt từ chính sách, nhận thức của các chủ đầu tư, hợp lực của doanh nghiệp sản xuất và đón nhận của xã hội.
Bài 1: Gian nan tìm chỗ đứng
Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 30-40% và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Chỉ tính riêng vật liệu gạch trong xây dựng, Việt Nam trung bình tiêu thụ mỗi năm hơn 20 tỷ viên cho các công trình. Mức tiêu thụ này dự kiến sẽ lên đến 42 tỷ viên vào năm 2020. Do đó, nếu không chuyển hoàn toàn sang gạch không nung sẽ tiêu tốn một lượng nhiên liệu khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường tiếp tục bị ô nhiễm nặng nề.
Thay đổi thói quen thành ý thức
Hiện gạch không nung chiếm khoảng 26,5% so với tổng sản lượng vật liệu xây. Mặc dù gạch không nung được đánh giá có độ chống thấm cao, ít đóng rong rêu và đặc biệt là giá thành giảm tới 20% so với sản phẩm gạch đất nung truyền thống nhưng việc tìm đầu ra cho loại sản phẩm này, cũng như thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng không hề đơn giản.
Trên thực tế, không chỉ các công trình xây dựng dân sinh, ngay cả các công trình xây dựng với quy mô lớn hơn, việc sử dụng gạch xây dựng không nung cũng chưa phải là sự lựa chọn của những nhà thầu.
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trên thực tế, ý thức chấp hành đưa tỷ lệ vật liệu xây không nung vào công trình của các chủ đầu tư chưa cao. Hiện chỉ có nhóm công trình sử dụng vốn ngân sách đáp ứng các tiêu chí này.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, tính đến năm 2018, địa phương này có 13 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất trên 145 triệu sản phẩm/năm. Mặc dù tỉnh đã thực hiện các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 46/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; trong đó có quy định sử dụng vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu xây không nung từ khâu thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật nhưng tỷ lệ sử dụng thực tế gạch không nung ở các công trình xây dựng trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chính khiến gạch không nung tiêu thụ chậm là do người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng loại vật liệu này để xây dựng các công trình dân dụng. Đối với các công trình sử dụng nguồn vốn Nhà nước, rất ít chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh. Khi áp dụng gạch không nung cho các công trình dân sinh và công trình Nhà nước thì việc thi công đơn giản, tốn ít vữa xây hơn gạch sét nung nhưng vẫn gặp hiện tượng nứt tường không theo quy luật. Các vết nứt ngang, phương thẳng đứng, xiên tường... gây thấm, giữ ẩm lâu làm hư hỏng lớp sơn tường. Tuy không gây hư hỏng công trình, nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng, thẩm mỹ…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên Bùi Văn Luyện chia sẻ, Sở đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn. Sở cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc sử dụng vật liệu xây không nung vào trong công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn theo đúng lộ trình.
Hiện Điện Biên đã có 5 cơ sở sản xuất gạch không nung sử dụng công nghệ tiên tiến được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 67 triệu viên/năm. Ngoài ra, còn có 3 cơ sở khác đã có sản phẩm lưu thông trên thị trường nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư với cơ quan nhà nước. Tất cả các công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn cấp huyện trở lên, có cơ sở sản xuất gạch không nung đều sử dụng gạch không nung theo quy định. Hơn thế, nhiều công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân cũng đã sử dụng gạch không nung.
Tuy nhiên, theo ông Luyện, thị trường tiêu thụ gạch không nung trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức và thói quen của người dân về việc sử dụng gạch đất sét nung vào công trình là tất yếu. Còn gạch không nung chỉ sử dụng để xây dựng các hạng mục, công trình phụ trợ, tường rào, chuồng trại… Đáng ngại nhất là một số công trình sử dụng vốn nhà nước có sử dụng gạch không nung nhưng còn trà trộn gạch không nung không đủ tiêu chuẩn, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Rào cản từ “nhược điểm”
Thực tế sử dụng dòng sản phẩm vật liệu xây không nung thời gian dài vừa qua, một số chủ đầu tư cho rằng, chất lượng vật liệu xây không nung chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiều loại công trình và cần có sự cải tiến về mẫu mã, kích cỡ… thậm chí là cả nhược điểm chống thấm để dễ thi công, sử dụng.
Cũng theo ông Bùi Văn Luyện, quá trình sử dụng gạch không nung vào công trình còn có một số hạn chế như sản phẩm chưa đa dạng về mẫu mã, kích thước mà chủ yếu vẫn sản xuất theo kích thước của gạch nung truyền thống, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Thợ xây chưa được đào tạo, tập huấn thao tác xây, trát, lắp đặt thiết bị âm tường đối với tường sử dụng gạch không nung. Việc cắt, khoan tường, khối xây để thi công các đường ống điện, nước, hệ thống thông tin… còn gặp khó khăn.
Đáng nói nhất là qua phản ánh của một số chủ đầu tư, đơn vị thi công và khảo sát thực tế, hiện tượng nứt tường sau khi trát của tường sử dụng gạch không nung nhiều hơn gạch truyền thống. Vết nứt chủ yếu xuất hiện trong giai đoạn hoàn thiện công trình, theo mạch xây. Tường bao quanh một số công trình có hiện tượng ẩm mốc, thấm nước mưa, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến quá trình sử dụng công trình - Phó giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên Bùi Văn Luyện dẫn chứng. Ngoài ra, gạch không nung xi măng cốt liệu (gạch bê tông) còn nặng, làm tăng tổng mức đầu tư của công trình, do phải tăng khả năng chịu lực của kết cấu đỡ tường.
Lý giải về những hạn chế này, ông Phạm Văn Bắc cũng chỉ rõ, nhiều nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Cùng đó, việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt nên vẫn còn hạn chế về chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, tại nhiều cơ sở sản xuất, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo. Có những nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất. Thậm chí, một số nhà máy do hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.
Đáng chú ý, các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời vào thời điểm kinh tế gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, chi phí tài chính lớn, do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ - ông Bắc dẫn chứng.
Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất gạch bê tông khí chưng áp hiện mới chỉ có hai cơ sở sản xuất vôi công nghiệp ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, còn chủ yếu sản xuất theo công nghệ thủ công. Do đó, chất lượng vôi chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất bê tông khí. Các cơ sở ở khu vực phía Nam còn gặp khó khăn trong việc cung ứng vôi cho sản xuất do nguồn vôi cung ứng xa, phải vận chuyển từ miền Bắc vào.
Cùng đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp khi mở rộng đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung lại không được hưởng các chính sách ưu đãi. Điều này cũng khiến dòng sản phẩm này phát triển hạn chế.
Tỉnh Điện Biên dẫn chứng, dù đã quyết liệt trong việc xóa bỏ gạch đất sét nung (lộ trình sau ngày 31/12/2016 đối với lò đứng, sau 31/12/2017 đối với lò vòng), tuy nhiên đến nay các cơ sở này vẫn đang hoạt động sản xuất, do tỉnh chưa có cơ chế, kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề. Thực tế này ít nhiều hạn chế việc phát triển gạch không nung trên địa bàn.
Từ thực tế tại địa phương, ông Bùi Văn Luyện đề xuất, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát triển vật liệu xây không nung; Xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy trình đầy đủ và khoa học cho việc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng từ khâu sản xuất, thiết kế, thẩm định cho đến thi công, bảo dưỡng, nghiệm thu, bảo trì.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung cần đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất nhằm tăng chất lượng gạch, thiết kế quy cách gạch cho phù hợp, đa dạng về mẫu mã và kích thước, tăng cường độ rỗng của sản phẩm để giảm tải trọng công trình. Tất cả các cơ sở sản xuất phải xây dựng quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng từ khâu lựa chọn, kiểm định chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, bảo dưỡng, bảo quản sản phẩm.
Theo Kiến trúc sư Hoàng Sa, các nhà khoa học cũng nên nghiên cứu chế tạo vữa riêng biệt cho gạch không nung theo hướng tăng độ dẻo, giảm độ mất nước, tăng độ kết dính và hạn chế co ngót; thường xuyên đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng về quản lý chất lượng công trình sử dụng gạch không nung, nhất là ở giai đoạn thiết kế và thi công; ứng dụng khoa học kỹ thuật, có phương tiện, dụng cụ thi công chuyên dụng phục vụ thi công gạch không nung.
Hiện tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung trong toàn quốc đạt 6,3 tỷ viên/tổng số 24,3 tỷ viên vật liệu xây, chiếm khoảng 26,5%. Sản lượng sản xuất vật liệu xây không nung đạt gần 5,5 tỷ viên/tổng số 23 tỷ viên vật liệu xây, đạt 24%.
Bài 2: Gỡ khó để phát triển