Sự trở lại của đầu tàu kinh tế Mỹ

Thế giới chia tay năm 2013 cùng quyết định cắt giảm quy mô chính sách nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ. Căng thẳng thanh khoản rốt cuộc không xảy ra và chứng khoán toàn cầu đón chào quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong sắc xanh hi vọng. Khi niềm tin được xác lập và củng cố, Mỹ đứng trước cơ hội lớn trở lại với vai trò động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới, bị đánh mất sau khủng hoảng tài chính năm 2008.


Tín hiệu từ cuối năm


Trở lại với năm 2013, thông tin từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy đây là năm thứ hai nền kinh tế thế giới xuống dốc với tốc độ tăng trưởng GDP toàn năm ước đạt 2,9%, thấp hơn mức 3,2% của năm 2012 và càng khiêm tốn so với mức 3,9% của năm 2011. Nguyên nhân trước tiên là tác động của kinh tế Mỹ, dù có biểu hiện tốt, nhất là từ quý III, nhưng do bắt đầu từ tháng 3 ngân sách liên bang Mỹ bị tự động cắt giảm 85 tỉ USD mỗi tháng, khiến tăng trưởng kinh tế giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm. Cộng thêm ảnh hưởng từ việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa hồi đầu tháng 10 do không có ngân sách hoạt động, ước tính tăng trưởng ở Mỹ trong năm 2013 chỉ đạt 1,6%, thấp hơn mức 2,8% của năm 2012.

 

Tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi giảm còn 4,5% năm 2013.


Đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Lâm Nghị Phu, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2013 không được như thế giới bên ngoài kỳ vọng. Suy thoái của kinh tế Mỹ và châu Âu đã khiến xuất khẩu của nước này đi xuống. Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Tài chính Kinh tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết GDP nước này trong năm 2013 tăng 7,7%. Mức tăng trưởng này dù vượt chỉ tiêu chính phủ Trung Quốc đưa ra cho năm 2013 (7,5%), nhưng vẫn là mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.


Câu chuyện đối với các nền kinh tế chủ chốt khác dẫu đã ánh lên hi vọng vào nửa cuối năm 2013, nhưng nếu chia đều cho cả năm, tốc độ tăng trưởng chưa phải là khả quan. Ví dụ, bắt đầu từ quý II, kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngừng rơi, nhưng tăng trưởng cả năm dự đoán vẫn là con số âm (-0,4%). Trường hợp của Nhật Bản là một ví dụ tương tự. Được kích thích bởi “chủ thuyết kinh tế Abe”, tăng trưởng kinh tế của “Đất nước Mặt trời mọc” đã phục hồi, nhưng cả năm vẫn thấp hơn mức 1,9% của năm 2012.


Nỗi buồn của các nền kinh tế mới nổi


Bước sang năm 2014, vấn đề được cả thế giới quan tâm theo dõi vẫn là QE, đặc biệt là với các nền kinh tế mới nổi. Mấy năm lại đây, dưới tác động của QE, “dòng tiền nóng” đổ vào các nền kinh tế mới nổi gây ra tình trạng bong bóng tài sản và lạm phát cao. Bắt đầu từ tháng 5/2013, khi quan chức FED bóng gió về khả năng cắt giảm QE, dòng tiền bắt đầu đảo chiều, rút dần khỏi các thị trường mới nổi, gây áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế tại đây. Dự báo của IMF cho thấy tăng trưởng kinh tế của khối thị trường mới nổi trong năm 2013 chỉ còn 4,5%, giảm 0,4% so với năm 2012 và thấp hơn 2,3% so với năm 2011.

 

Chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng bùng nổ trong năm mới?


Trong năm 2014 này, khi Mỹ chính thức cắt giảm QE, dòng tiền được dự báo là sẽ tiếp tục rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, chảy ngược về các nền kinh tế phát triển, sự phân hóa về tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển càng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với các nền kinh tế khác nhau sẽ khác nhau.


Nhóm “5 nước dễ vỡ” gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, do kết cấu kinh tế tồn tại nhiều khiếm khuyết và thiếu sức cạnh tranh, cho nên, khi dòng tiền rút đi sẽ khó thu hút đầu tư từ bên ngoài để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai. Khi đó, không chỉ đồng nội tệ bị mất giá mạnh, mà bong bóng tài sản cũng đối mặt với nguy cơ tan vỡ, nhất là trong trường hợp dòng tiền rút nhanh và mạnh. Bóng mây khủng hoảng có thể một lần nữa sẽ xuất hiện trên bầu trời các nền kinh tế nói trên.


Nhưng đối với những nền kinh tế mới nổi có nền tảng tương đối tốt như Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc..., tình hình có thể khác đôi chút. Tuy khó tránh được áp lực đến từ việc dòng tiền rút đi, nhưng chỉ cần các nền kinh tế này biểu hiện tương đối tốt, vẫn có năng lực ổn định niềm tin các nhà đầu tư quốc tế. Cộng thêm sự trợ giúp của kho dự trữ ngoại tệ tương đối lớn, áp lực đến từ việc dòng tiền rút đi sẽ không quá lớn.


Mỹ trở lại vai trò động lực

Vào ngày 1/2 tới, bà Janet Yellen sẽ chính thức thay ông Ben Bernanke làm Chủ tịch FED. Bà Yellen là người luôn ủng hộ nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng lãi suất siêu thấp và các vòng QE mà ông Bernanke đã thực hiện. Do vậy, nhiều khả năng bà Yellen sẽ tiếp tục chính sách mà ông Bernanke đề ra, cắt giảm QE sao cho lãi suất trái phiếu tăng trong phạm vi chịu đựng của nền kinh tế, không trở thành tác nhân gây cản trở con đường hồi phục của nền kinh tế.


Tới nay, phần lớn các tổ chức và chuyên gia uy tín trên thế giới đều đánh giá cao triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2014. Mới đây bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, cho rằng việc tăng trưởng kinh tế Mỹ trên đà cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang đi xuống cho thấy một triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2014. Đây chính là các nhân tố để IMF nâng mức dự báo kinh tế của Mỹ năm 2014 lên 2,6%, cao hơn nhiều so với mức 1,6% của năm 2013. Một “ông lớn” của phố Wall là Ngân hàng JPMorgan Chase, thậm chí còn lạc quan hơn, dự báo tăng trưởng năm 2014 của Mỹ là 2,8%. Trước đó, vào tháng 12/2013, JPMorgan Chase nhận định kinh tế Mỹ năm 2014 có thể tăng trưởng ở mức 2,5%. Về phía các chuyên gia, Giáo sư Martin Feldstein thuộc Đại học Harvard cho rằng năm 2014 sẽ là một năm tốt đẹp hơn đối với kinh tế Mỹ. Đây cũng là nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng IHS Global Insight, ông Nariman Behravesh.


FED quyết định cắt giảm quy mô QE, chứng khoán Mỹ tăng điểm và kết thúc năm 2013 với hàng loạt kỉ lục đạt được. Đó là do việc cắt giảm QE đã lấy thước đo của sự phục hồi kinh tế làm cơ sở, cũng là bởi niềm tin vào sự phục hồi kinh tế Mỹ đã được xác lập và củng cố. Theo các nhà kinh tế ở Barclays Capital, trong năm 2013, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đạt mức trung bình là 73,3 điểm, cao nhất kể từ năm 2007 và cao hơn nhiều so với mức trung bình 45,2 điểm đạt được trong năm 2009 khi kinh tế Mỹ vẫn chìm trong suy thoái.


Trong một nền kinh tế mà tiêu dùng chiếm 70% GDP như Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Khi niềm tin của họ tăng lên, người ta hoàn toàn có lý do lạc quan vào tương lai kinh tế Mỹ. Xem xét tình hình hiện nay, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng BNY Mellon Stephen Lackey cho rằng kinh tế các nước phát triển đều trong quỹ đạo hồi phục, trong đó tăng trưởng kinh tế Mỹ là điểm sáng của toàn bộ các nền kinh tế phát triển. Lackey dự đoán Mỹ sẽ trở thành động lực tăng trưởng, cùng với các nền kinh tế phát triển khác góp phần thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế thế giới. Trong báo cáo mới nhất, Deutsche Bank cũng nhận định năm 2014, Mỹ sẽ là bánh lái của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN