Tại Hội thảo lấy ý kiến Luật thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) sửa đổi do Tổng cục Hải quan (TCHQ) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 4/8 ở Hà Nội, đại diện TCHQ cho biết: Để góp phần bảo vệ tài nguyên trong nước, điều tiết hợp lý thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN), đáp ứng yêu cầu đàm phán hội nhập trong thời gian tới cũng như trong giao thương kinh tế, dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi sẽ xây dựng Biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu mới.
Trong ảnh: Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng- TTXVN |
Theo Ban soạn thảo, tại Điều 12 Luật Thuế XK, thuế NK hiện hành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Biểu thuế XK theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế NK ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng, bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa (Biểu khung). Việc quy định mức khung thuế suất như thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực và là căn cứ quan trọng để Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với từng mặt hàng. Qua đó, đã đáp ứng tính chủ động, kịp thời trước những biến động giá cả của thị trường thế giới, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam đã cam kết cho 100% số dòng thuế NK tại thời điểm gia nhập và phải cắt giảm hàng năm theo lộ trình cam kết, đến nay lộ trình này cơ bản hoàn thành. Do đó, việc quy định mức trần tối đa Biểu khung thuế suất thuế NK như hiện hành thực tế không có ý nghĩa. Do vậy, dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK không quy định mức sàn Khung thuế suất thuế NK của các nhóm hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng Biểu thuế ưu đãi MFN.
Có quan điểm cho rằng: Doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên có thể nộp thuế cho hàng xuất nhập khẩu theo định kỳ thay vì phải trả ngay khi thông quan. Tuy nhiên, đây là điều kiện được một số ý kiến đánh giá là khá hẹp khi chỉ có vài chục doanh nghiệp thuộc diện này trên tổng số khoảng 50.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay. Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tông cục Hải quan) cho biết: Việc giãn thời hạn nộp thuế như trên là một trong cải cách căn bản.
Theo quan điểm của ngành hải quan, hiện chỉ có 35 doanh nghiệp ưu tiên nộp thuế theo định kỳ với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 58 tỷ USD. Đây là những doanh nghiệp được đánh giá là tuân thủ pháp luật về thuế, kế toán, thống kê, thủ tục thuế điện tử…
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc đa phần các doanh nghiệp phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng như các doanh nghiệp trên là chưa phù hợp. Hướng sửa đổi được đưa ra là doanh nghiệp chỉ phải kê khai nộp thuế 1 tháng 1 lần và không phải trả phí bảo lãnh, tiền chậm nộp…