Đây là những khoản chi thuộc nhóm gánh nặng tài chính lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp tham gia khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện vào đầu tháng 8/2021.
Theo kết quả khảo sát, trong số 14.890 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 24% chọn biện pháp cắt giảm lao động từ 75% đến dưới 100% và 23% lựa chọn không cắt giảm lao động mà cho lao động nghỉ tạm thời không hưởng lương trong lúc dịch chưa được kiểm soát. Tỷ lệ các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh lựa chọn 2 chính sách tương ứng trên lần lượt là 5% và 13%, với 3.355 doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Đối với doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, chính sách với lao động phổ biến nhất mà các doanh nghiệp này lựa chọn là nỗ lực giữ chân người lao động và duy trì chính sách lương, phúc lợi như trước (27%), hoặc không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, giảm lương (24%). Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thực hiện chính sách không cắt giảm lao động và duy trì chính sách lương chỉ đạt 6%, không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, giảm lương là 16%. Tính chung liên quan đến chính sách cắt giảm lao động, có 52% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thực hiện nhóm chính sách này, ít là cắt giảm dưới 25%, nhiều là cắt giảm từ 75% đến dưới 100%. Trong số doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện chính sách cắt giảm lao động tính gộp là 31%.
Bên cạnh đó, khoảng 4% doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh cho biết họ không cắt giảm lao động và tranh thủ tuyển thêm lao động. Đây được coi là những "điểm sáng" trong bức tranh tổng thể tương đối xám màu.
Để hiểu rõ hơn việc ứng xử đối với người lao động của các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chờ giải thể do tác động của dịch COVID-19, khảo sát đặt ra câu hỏi nếu bị giải thể thì doanh nghiệp áp dụng những cách ứng xử như thế nào đối với lao động. Kết quả cho thấy, trong số 3.272 doanh nghiệp, có tới 44% cho biết không hỗ trợ gì cho lao động; 25% doanh nghiệp trả lời là hỗ trợ 1 tháng lương và 22% hỗ trợ người lao động dưới hình thức "hướng dẫn người lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp".
Đánh giá về biện pháp ứng xử đối với người lao động trong các doanh nghiệp trước tác động của dịch COVID-19 qua kết quả khảo sát, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, những con số nêu trên phản ánh một hiện trạng là nhiều doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nên khi giải thể, tỷ lệ người lao động không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào khá cao, còn tỷ lệ được tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở mức độ dưới trung bình.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2021 về tình hình người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam, Ban Dân vận Trung ương đã nêu lên một số vấn đề cần quan tâm, đó là nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; hàng trăm nghìn công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa và số lượng doanh nghiệp, công nhân lao động bị ảnh hưởng tiếp tục tăng lên. Theo thống kê từ các cấp công đoàn, tính đến ngày 5/8, có 4.164 doanh nghiệp phải tạm dừng, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất hoặc giải thể; 1.214.701 người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được doanh nghiệp cho là sẽ hiệu quả là hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 1-3%/năm để trả lương. Trong bối cảnh tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân lao động chờ cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, bởi chi phí tuyển dụng lại là rất cao, đặc biệt đối với các nhóm nhân sự quản lý, nhân sự chuyên môn kỹ thuật sâu. Còn đối với các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất, kinh doanh, nhóm chính sách này rất quan trọng, giúp họ giảm bớt khó khăn khi phải chịu rất nhiều áp lực và nhiều khoản chi phí phát sinh đối với người lao động (nhiều doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" đã phải tăng gấp đôi chi phí, từ 9,33 triệu lên 18,66 triệu đồng/người/tháng), nhằm duy trì một phần hoạt động, nâng được sức cạnh tranh, cải thiện sức khỏe tài chính.
Các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất cũng cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách hỗ trợ hiệu quả đối với họ. Khi chi phí tăng, đặc biệt là chi phí lao động, hay chi phí vận chuyển hàng hóa, thậm chí chi phí bị phạt hợp đồng do không đảm bảo thời hạn, số lượng hàng hóa, thì nhiều doanh nghiệp có thể cũng không còn lợi nhuận và trong trường hợp này, không có cơ hội để hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, chèo lái được hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch để có lợi nhuận thì chính sách này có thể xem là một hành động đồng hành của Nhà nước với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để tích lũy, mở rộng đầu tư trong nước, duy trì được cầu đầu vào về nguyên, nhiên liệu, dịch vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Từ đó, giúp các doanh nghiệp nhỏ, hoặc doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có thêm cơ hội phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn.
Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ giảm chi phí điện, nước, nhiêu liệu cho hoạt động kinh doanh, bởi đây là cách Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và nhanh nhất, ít bị cản trở bởi các điều kiện khác về sửa đổi luật, hay các điều kiện hành chính đi kèm với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ trong thời gian qua. Cùng với đó là các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để giảm giá, tăng khả năng cạnh tranh và tăng cầu hàng hóa; giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tạo một hướng mới cho doanh nghiệp là dùng tỷ lệ giảm đóng bảo hiểm bắt buộc để đóng bảo hiểm tự nguyện cho người lao động, một cách thức góp phần giữ chân người lao động và mang lại nguồn dự phòng đời sống cho người lao động./.
Bài 4: Những đề xuất cho doanh nghiệp vực dậy