Trong bối cảnh lạm phát tháng 6 năm 2022 của các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi tăng cao kỷ lục trong 4 thập kỷ gần đây; tại Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới lạm phát tăng đến 9,1% mặc dù ngày 15/6/2022 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong một kỳ họp kể từ tháng 11 năm 1994; Lạm phát của EU tăng 8,6% là tháng thứ 8 tăng liên tiếp, khiến ngày 21/7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định tăng lãi suất đến 0,5 điểm phần trăm sau 11 năm giữ lãi suất ở mức 0%. Động thái tăng lãi suất để chống lạm phát, cùng với bất ổn địa chính trị đã làm suy yếu kinh tế toàn cầu, dẫn tới cắt giảm nhu cầu xăng dầu trong ngắn hạn.
TTXVN xin giới thiệu bài viết của chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung liên quan đến tác động của giảm giá xăng dầu với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Trong 2 tuần vừa qua, giá dầu thế giới đã rơi vào cuộc giằng co giữa thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu suy giảm; tuần từ 11 đến 15 tháng 7/2022 giá dầu đã lao dốc không phanh. Tuy vậy, do nguồn cung hạn chế, nên giá dầu Brent vẫn duy trì ở mức hơn 105 USD/thùng; đồng thời, với ít dư địa để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh tăng sản lượng, thị trường dầu sẽ rất khó để cân bằng trong những tháng tới. Vì vậy, dự báo giá dầu sẽ tăng trong thời gian tới.
Giá dầu thế giới biến động giảm trong thời gian qua đã khiến giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành trong tháng 7/2022. So với cuối tháng 6, mỗi lít xăng RON 95-III giảm hơn 6.800 đồng; xăng E5 RON 92 giảm 6.230 đồng; dầu diesel hạ 5.160 đồng; mặt bằng giá xăng trong nước đã về ngang với mức giá của tháng 2 năm nay - mức giá chấp nhận được đối với nền kinh tế.
Theo tính toán, với 3 kỳ giảm liên tiếp, giá xăng dầu bình quân tháng 7/2022 giảm 8,7% so với tháng trước, tác động làm chỉ số CPI toàn nền kinh tế giảm 0,31 điểm phần trăm; giảm đáng kể áp lực lạm phát do yếu tố xăng dầu đối với nền kinh tế; giảm bớt một phần khó khăn đối với các ngành sử dụng nhiều xăng dầu trong hoạt động sản xuất như vận tải, khai thác thuỷ sản….
Đồng thời tạo căn cứ để khu vực doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá đường bộ, đường hàng không; hệ thống phân phối bán lẻ cắt giảm chi phí, hạ giá bán hàng hoá và dịch vụ. Bên cạnh đó, với mức giá xăng dầu như tại thời điểm này sẽ hạn chế việc cắt giảm chi tiêu của người dân, kích thích tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát của nền kinh tế được kiểm soát ở mức độ hợp lý. Tuy vậy, dư địa trong các tháng cuối năm không còn nhiều, đặc biệt xu hướng tăng giá đang hiện hữu với các nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân. Chẳng hạn, giá thực phẩm đã có xu hướng tăng, tháng 6/2022 tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ trong hai tuần đầu tháng 7 năm nay, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành phố đã tăng 12.000 đồng/kg, tăng trên 20% so với trước đó. Thái Bình là tỉnh có giá lợn hơi cao nhất lên 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối tháng 6/2022. Mặt hàng thịt lợn chiếm tỷ trọng 3,39% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình nên có tác động khá lớn tới lạm phát. Bên cạnh thịt lợn, giá nhiều loại thực phẩm đang tăng trở lại. Chi tiêu cho thực phẩm chiếm đến 21,28% trong tổng chi tiêu.
Dự báo với mức tăng giá thực phẩm trong tháng 7/2022 sẽ tác động làm CPI toàn nền kinh tế tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Như vậy, với giảm giá xăng dầu, làm giảm áp lực tăng giá của tháng 7/2022 so với tháng trước được 0,31 điểm phần trăm thì đã phải bù vào 0,2 điểm phần trăm do giá thực phẩm tăng. Vì vậy các nhà quản lý không nên chủ quan với việc giảm giá xăng dầu trong kiểm soát lạm phát vì giá xăng dầu vẫn biến động tăng giảm khó lường.
Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng cao, việc Fed tăng lãi suất đã làm cho giá trị đồng USD tăng "chóng mặt", khiến giá cả hàng hóa và nguyên liệu mua bán bằng đồng USD; trong đó có dầu mỏ, trở nên đắt đỏ, kéo theo giá nhập khẩu tăng và gây ra lạm phát.
Đối với kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022, Chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04%, tăng cao nhất 10 năm qua. Đặc biệt, chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 10,01%, cho xây dựng tăng 9,32%, cho công nghiệp tăng 5,78%. Đây là vấn đề đáng lo ngại, vì dự trữ ngoại hối của nền kinh tế có hạn, không thể sử dụng để giữ ổn định tỷ giá, hỗ trợ nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu.
Bên cạnh đó, ngành vận tải, ngành mang tính huyết mạch, chuyên chở hàng hoá của nền kinh tế, có giá cước tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay. Giá vận tải đường sắt, đường bộ tăng 5,94%; giá dịch vụ vận tải đường thuỷ tăng 12,91%; trong đó giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 14,28%; đặc biệt, giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng đến 18,32%. Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá dịch vụ vận tải tăng cao là dấu hiệu chỉ báo chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế sẽ tăng cao trong 6 tháng cuối năm, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng.
Hiện nay, khi nói đến lạm phát và các giải pháp kiểm soát lạm phát, chúng ta chỉ quan tâm đến chỉ số giá tiêu dùng, chưa đề cập tới chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và giá dịch vụ vận tải, trong khi đó kinh tế nước ta phụ thuộc tới 37% nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất từ nhập khẩu.
Mặt hàng chiến lược quan trọng tạo áp lực rất lớn đến sản xuất và lạm phát của nền kinh tế trong các tháng cuối năm là điện thương phẩm. Kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan ở khắp nơi trên thế giới làm gia tăng thêm khủng hoảng năng lượng.
Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất cũng như trong tiêu dùng thời gian tới sẽ tiếp tục lên cao, đặc biệt thời tiết nắng nóng trong các tháng hè, nhu cầu sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm sẽ đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt tăng, tạo áp lực khá lớn cho lạm phát. Bên cạnh đó, điện là mặt hàng thiết yếu trong tiêu dùng của hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 3,31%, nên biến động về giá điện có tác động không nhỏ tới lạm phát.
Để kiểm soát tốt lạm phát, giữ ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, giảm thiểu tác động của nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khoá và tiền tệ. Đồng thời chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn, phát triển nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, tác động không nhỏ tới tỷ giá hối đoái và hoạt động thương mại quốc tế. Mặt khác, đảm bảo tính thanh khoản, hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.
Xăng dầu và điện là mặt hàng chiến lược đối với sản xuất và tiêu dùng của đất nước. Bộ Công Thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn với mức giá ổn định hơn, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Bộ cần dự báo và có các phương án đảm bảo sản xuất và phân phối điện đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế vào các thời kỳ cao điểm.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu; đồng thời, cần nhìn nhận thực tế hơn, sâu sắc hơn, để đưa ra giải pháp tổng thể đối với giá xăng dầu và giá điện, từ chính sách thuế, phí đến kiểm soát đầu vào, đầu ra, minh bạch thị trường đến các chính sách an sinh xã hội đối với mặt hàng xăng dầu, điện sản xuất và điện thương phẩm.