Sự chuyển động tình hình kinh tế năm 2014 và 2015 cũng như của những năm tiếp theo phụ thuộc rất lớn vào việc đổi mới thể chế và tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
Xác định mô hình tăng trưởng
Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết lúc này, bởi mô hình tăng trưởng mà chúng ta theo đuổi trong những năm qua đến nay đã bộc lộ rất nhiều hạn chế.
Sau hơn một năm thực hiện tái cơ cấu và được chuyển giao về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) quản lý, Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long (Nam Định) đang dần phát triển ổn định. Công ty đang triển khai đóng các loại tàu hàng từ 4.300 đến 12.500 tấn và các dự án đóng tàu cho Bộ Tư lệnh Hải quân, tạo việc làm cho 450 lao động với thu nhập 5,1 triệu đồng/người/ tháng. Trong ảnh: Tàu hàng trọng tải 4.300 tấn do công ty đóng mới, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
“Bất cập lớn nhất của nền kinh tế hiện nay, đó là dù tăng trưởng đã được cải thiện nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét và chứng minh bằng tỷ lệ đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP vẫn ở mức khá lớn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, tương ứng mức đóng góp của yếu tố vốn và lao động là ,19% và 23,11%; 55,53% và 26,8%; 59,16% và 30,86%; 55,79% và 17,12%. Tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào gia tăng đầu tư dẫn đến những hệ lụy như gia tăng gánh nặng nợ, nhất là nợ công; khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; gia tăng ô nhiễm môi trường...
Chất lượng tăng trưởng còn thể hiện khá rõ qua đóng góp cho tăng trưởng của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), gồm tăng hiệu quả đầu tư và tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới kỹ thuật - công nghệ. “Chỉ số TFP ở các nước như Hàn Quốc là 51,32%, Malaysia: 36,18%, Thái Lan: 36,14% so với con số 19,59% của Việt Nam đã chứng minh, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa cao. Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng thể hiện qua “thước đo” hệ số về hiệu quả đầu tư ICOR của nền kinh tế tuy đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn từ 2011 - 2013, hiệu quả đầu tư đã cao lên với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 31,5%, với tốc độ tăng GDP là 5,64%, hệ số ICOR là 5,6 lần. Với mức này, hệ số ICOR của nước ta vẫn cao gấp rưỡi, gấp đôi so với nhiều nước”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Những bất cập của mô hình tăng trưởng cũng có thể được nhận diện trên nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 nhưng sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp thấp là do công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành - cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển. Sản xuất nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng do dựa vào xuất thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuổn khổ cạnh tranh toàn cầu, nên không thể cải thiện được thị trường của 70% dân số sống ở nông thôn.
Những dẫn chứng ở trên cho thấy, năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập quốc tế đang diễn ra. Do đó, quan điểm của Chính phủ tại Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020, được thông qua vào tháng 2/2013 đã xác định gắn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với thay đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm hướng vào gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế.
Gắn tái cơ cấu với phân bổ lại nguồn lực xã hội
Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020, trong đó đã phân kỳ giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước. Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra cho mục tiêu tái cơ cấu sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực xã hội theo hướng hợp lý. “Dư địa để cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực vẫn còn khá nhiều. Nếu tạo chuyển biến từ sử dụng hợp lý các nguồn lực cho quá trình tái cơ cấu thì sẽ giúp cho quá trình tái cơ cấu thành công”, TS Trần Du Lịch tin tưởng.
Đề xuất của TS Trần Du Lịch và các chuyên gia kinh tế về vai trò của việc phân bổ nguồn lực xuất phát từ những lo ngại về việc sử dụng nguồn lực hiện nay trong xã hội. Có nhiều ví dụ cho thấy việc sử dụng các nguồn lực chưa thật sự hiệu quả. Trong lĩnh vực triển khai các dự án đầu tư công, so sánh chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam với các nước là một ví dụ. Theo công bố của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có chi phí 9,9 triệu USD/km cho bốn làn xe cơ giới. Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dự kiến chi phí cũng lên tới 18,3 triệu USD/km. Trong khi đó, chi phí xây dựng đường cao tốc tại Trung Quốc khoảng 6 triệu USD/km, tại Mỹ khoảng 8 triệu USD/km. “Sự chèn lấn của đầu tư công với đầu tư của tư nhân có thể là một trong những nguyên nhân khiến chi phí đầu tư cao. Do đó, trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cần ưu tiên chính sách hợp tác công - tư để có những đóng góp quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả phân bổ của nền kinh tế cũng như giảm thiểu hiệu ứng lấn át đầu tư công như cách làm trong thời gian qua”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đưa ra nhiều dẫn chứng khác cho thấy bất hợp lý của việc phân bổ nguồn lực. Ví dụ như việc trợ cấp giá điện sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực bị bóp méo, dẫn đến sản xuất và đầu tư thái quá ở những ngành tiêu thụ nhiều điện như xi măng hay cán thép. Đối với đầu vào, những ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhà nước về đất đai hay các nguồn lực sản xuất khác cũng sẽ làm giảm hiệu quả phân bổ rất thấp. Cho đến năm nay, khu vực kinh tế nhà nước chiếm ,1% tổng vốn đầu tư xã hội song chỉ đóng góp 33,7% vào GDP của cả nước và chỉ tạo việc làm cho khoảng 10,4% số lao động. Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước chiếm tới 36,1% tổng vốn đầu tư xã hội nhưng lại đóng góp 47,5% vào GDP. Những số liệu trên cho thấy, sự thiếu hiệu quả phân bổ vẫn khá rõ ràng. Do đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trước hết phải bắt đầu từ quyết tâm chính trị trong việc thay đổi mạnh mẽ cơ chế phân bổ nguồn lực để có thể sử dụng nguồn lực của đất nước một cách hiệu quả nhất.
Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Nguyễn Đình Cung cũng đồng tình với quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế gắn với phân bố lại nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. “Qua đó, nguồn lực xã hội sẽ được phân bố lại hợp lý hơn, được sử dụng có hiệu quả hơn. Sự thay đổi về phân bố nguồn lực nói trên sẽ từng bước làm thay đổi cách thức tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và dần nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế. Nếu không thực sự hành động để có sự thay đổi này, dù có quyết tâm cũng không thể đẩy nhanh tiến độ theo đúng mong muốn”, ông Nguyễn Đình Cung nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực cần tránh cách làm hình thức như việc triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước. “Cần phải xác định, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tái cơ cấu DNNN là để thay đổi lại động lực, phân bố lại nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn nền kinh tế chứ không chỉ là chuyển nguồn lực nhà nước từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác như cách sắp xếp lâu nay đã làm. Chính vì vậy, mục tiêu của thoái vốn không thể chỉ là cắt lỗ, bán, thoái vốn những khoản đầu tư lỗ mà phải là tối ưu hóa hiệu quả sử dụng của phần vốn đó. Bản chất của tái cơ cấu kinh tế là thay đổi hệ thống đòn bẩy khuyến khích, loại bỏ và thay thế các động lực khuyến khích lệch lạc dẫn đến những sai lệch trong phân bố và sử dụng nguồn lực quốc gia, bằng hệ thống động lực hợp lý, phù hợp với chuẩn mực kinh tế thị trường”, ông Nguyễn Đình Cung lưu ý.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng cho rằng, một trong những cách thức hiệu quả để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là tập trung phân bổ nguồn lực hợp lý để tạo ra hiệu quả và động lực lớn hơn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ví dụ như trong lĩnh vực đầu tư công, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần thay đổi cách phân bổ nguồn lực dàn trải. Hệ quả của việc nguồn lực ít trong khi cách phân bổ nguồn lực dàn trải là quá nhiều công trình dở dang, gây tình trạng lãng phí. Trong phân bổ nguồn lực cần sắp xếp ưu tiên cái gì cần giải quyết ngay, cái gì chưa. Ví dụ chúng ta có tới 200 dự án tồn kho nhưng do nguồn lực có hạn chỉ nên ưu tiên giải quyết 50 dự án.
“Bản chất của tái cơ cấu là thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, chứ không đơn giản là số lượng nhiều hay ít, hay có bao nhiêu ngân hàng là vừa. Nếu chúng ta có tư duy về cách thức phân bổ nguồn lực hợp lý thì tình thế khó khăn hiện nay vẫn có thể xoay chuyển được”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thu Hường