Nhằm thực hiện nhiệm vụ đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xây dựng đề án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp, từng bước hình thành những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, vững mạnh về tài chính. Theo đó, trong giai đoạn từ 2012- 2015, Bộ Giao thông sẽ tập trung vào việc cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp trong ngành.
Thi công phần trụ cầu P14 gói thầu số 1 do Liên danh Công ty IHI Infrastructure System (IIS) và Công ty XD Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thực hiện. |
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết, qua 10 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành việc CPH các công ty nhà nước độc lập và các đơn vị thành viên của các tổng công ty, các công ty. Nhìn chung các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi theo mô hình cổ phần đã hoạt động tốt hơn. Cụ thể, vốn nhà nước sau khi đánh giá lại tăng 20%, doanh thu và lợi nhuận tăng bình quân 10%, thu nhập của người lao động tăng 10%, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sắp xếp, CPH các doanh nghiệp còn có những hạn chế như quy mô của các doanh nghiệp nhỏ, cơ cấu bất hợp lý, trình độ công nghệ lạc hậu, quản lý yếu kém. Hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp, nợ đọng không có khả năng thanh toán cao.
Nhằm khắc phục những tồn tại trên, mục tiêu lớn mà Bộ GTVT đặt ra trong kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2012- 2015 là phải hình thành các doanh nghiệp mạnh, có nguồn lực, năng lực tài chính để hoạt động và phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong giai đoạn 2012-2015, Bộ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp trong ngành; trong đó, việc tái cơ cấu doanh nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với ngành; đặc biệt, ưu tiên CPH. Theo đó, Bộ dự kiến, trong giai đoạn này, sẽ CPH 70 doanh nghiệp. Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính để CPH, nếu đơn vị nào không còn vốn nhà nước sẽ chuyển sang hình thức bán, phá sản.
Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp cùng ngành nghề, Bộ dự kiến chuyển nguyên trạng Công ty Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa về làm đơn vị thành viên Tổng công ty Vận tải thủy; chuyển nguyên trạng các công ty hoa tiêu hàng hải và Công ty trục vớt cứu hộ Việt Nam về làm đơn vị thành viên của 2 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam.
Cùng với đó, Bộ sẽ tham gia thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và tái cơ cấu vốn, mô hình tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổng công ty, công ty TNHH một thành viên thuộc Bộ. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng phương án chuyển các BQL dự án thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án.
Ông Nguyễn Chiến Thắng cũng cho hay, trong quá trình sắp xếp, đổi mới Bộ cũng hình thành các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quy mô lớn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng kết cấu, hạ tầng giao thông và đường bộ cao tốc; đầu tư, khai thác cảng hàng không… đủ năng lực thực hiện các dự án lớn, chất lượng cao.
Hiện Bộ đang xây dựng đề án thành lập 4 tập đoàn kinh tế dựa trên sự hợp nhất các tổng công ty đang thuộc quản lý của Bộ để đề xuất Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Bộ GTVTđưa ra 8 giải pháp. Đó là: Đối với những doanh nghiệp khó khăn (chủ yếu về tài chính), cần tập trung kiện toàn tổ chức, giải quyết các vấn đề tồn tại để CPH. Những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không còn vốn nhà nước, không đáp ứng các tiêu chí quy định, không thể CPH được thì chủ động đề xuất, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ cho bán hoặc phá sản.
Đối với những doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo được thương hiệu trên thị trường, cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để mở rộng sản xuất kinh doanh, hình thành các mô hình mới phù hợp theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ CPH các doanh nghiệp, đặc biệt là các Công ty mẹ - Tổng công ty để tăng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh… Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Bộ sẽ thực hiện tái cơ cấu tài chính, mô hình tổ chức. Ngoài ra, Bộ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ quản lý, bố trí cán bộ hợp lý; nâng cao trình độ và vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Bộ cũng sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết mô hình công ty mẹ - công ty con, việc CPH các công ty nhà nước hoạt động công ích, CPH các đoạn quản lý đường sông… để rút kinh nghiệm trong việc xây dựng phương án sắp xếp các công ty nhà nước hoạt động công ích còn lại, phương án quản lý tài sản công và việc thừa quyền thu phí tại các công ty cổ phần…
Uông Lam