Bài 3: Thâm canh thủy sản ứng dụng công nghệ sạch
Một trong những định hướng lớn trong tái cơ cấu ngành thủy sản là sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, đa dạng các đối tượng nuôi, đầu tư ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Tăng trưởng “nóng”
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2013, Bạc Liêu đã có hơn 12.000 ha tôm nuôi bị chết. Còn tại Trà Vinh, thống kê chưa đầy đủ, trong số hơn 2.000 tấn tôm thu hoạch trong đầu năm thì hơn 60% số đó phải thu hoạch sớm do ảnh hưởng dịch bệnh.
Nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch sẽ giúp hạn chế thiệt hại cho nông dân. Trong ảnh: Người dân huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thu hoạch cá tra. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, dịch bệnh trên thủy sản là một trong những nỗi lo của ngành. Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) khẳng định: “Thực tế cho thấy, ngành nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với tình trạng môi trường nuôi không tốt và hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển nóng của ngành”.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, một điểm thiếu bền vững khác là khâu quản lý con giống thủy sản còn nhiều bất cập. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chỉ rõ: Các giống tôm càng xanh, rô phi... nhập lậu theo đường tiểu ngạch tràn vào nội địa rất nhiều. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng không theo quy hoạch, còn khai thác thì đạt ngưỡng khiến cho nguồn tài nguyên đang bị cạn dần. Đó là chưa kể đến việc quy hoạch vùng nuôi còn nhiều bất cập. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm lan rộng, dịch bệnh gia tăng. Tình trạng tăng trưởng “nóng” của ngành này đã gây ra nhiều hệ lụy. Đã đến lúc ngành thủy sản phải tái cơ cấu để phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ để nâng giá trị
Thủy sản được xác định là lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đề án tái cơ cấu ngành này đưa ra mục tiêu năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 11%/năm, tăng tỷ trọng thủy sản trong giá trị sản xuất toàn ngành 33%.
Theo các chuyên gia trong ngành, giải pháp mấu chốt của việc tái cơ cấu là tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giữa sản xuất, cung nguyên liệu với chế biến, xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhấn mạnh, cần tư duy theo chuỗi giá trị mới có thể nâng cao giá trị gia tăng. Bởi nếu không thiết lập được chuỗi này, thắng lợi về sản lượng của người nông dân sẽ là thất bại ở giá trị họ thu được.
Ngược lại, việc thiết lập được chuỗi liên kết này sẽ tạo cơ sở để các bên liên quan thảo luận, thương lượng về cơ chế lợi nhuận.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu, tới đây, Tổng cục Thủy sản cần tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi. Tổng cục Thủy sản cần chủ trì phối hợp với Tổng Cục Thủy lợi để quy hoạch những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như đối với tôm và cá tra, chủ trì và chủ động đề xuất giải pháp để đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long.
Nuôi trồng thủy sản chỉ phát triển bền vững khi có những nghiên cứu cải thiện năng suất, giới thiệu các loài mới, tăng cường quản lý chất lượng giống, giám sát dịch bệnh.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, nuôi trồng thủy sản sẽ theo hướng vừa tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng vật nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, rô phi, nhuyễn thể) vừa tiếp tục đa dạng hóa đối tượng vật nuôi. Đồng thời, ngành khuyến khích nuôi công nghiệp cả trên diện rộng và quy mô nhỏ; áp dụng thâm canh, công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven biển Trung Bộ; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, nguồn năng lượng tái tạo từ các phụ phẩm để tăng giá trị gia tăng cũng sẽ được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ NN&PTNT cần phát triển hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản để cung cấp nguồn giống thủy sản thương phẩm đạt chất lượng cho nhu cầu nuôi trong nước; đồng thời, đầu tư hệ thống kiểm soát dịch bệnh, dịch vụ thú y; ứng dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc, giám sát môi trường nuôi, rủi ro đối với hệ sinh thái ở từng vùng nuôi thâm canh...
Tuy nhiên, để quy hoạch và quản lý vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn thực phẩm, đại diện Hiệp hội VASEP cho rằng, phải có đồng thuận của các tỉnh trong việc thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nghiên cứu thị trường đối với các đối tượng nuôi tiềm năng cũng là vấn đề được đề cập đến.
Mạnh Minh
Bài cuối: Không độc canh cây lúa