Gây khó nhân viên thu phíTheo người dân xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm) nơi có trạm thu phí, từ chiều 4/9, khoảng hơn 10 xe trả phí bằng tiền lẻ nhằm kéo dài thời gian nộp phí cùng với lượng xe lưu thông sau kỳ nghỉ lễ tăng nên Trạm thu phí số 1 bị tắc nghẽn và ùn tắc kéo dài. Đến chiều tối 5 và sáng ngày 6/9, tình trạng trên lại tiếp diễn với số lượng lên hàng trăm xe.
Lái xe cố tình chậm chạp trả tiền lẻ tại trạm thu phí BOT số 1 quốc lộ 5 huyện Văn Lâm. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN. |
Các lái xe đã sử dụng nhiều hình thức như: Ngoài việc trả phí bằng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng, nhiều lái xe còn đưa ra cả tập tiền lẻ nhúng ướt nước rất khó đếm, những tờ tiền đã bị vò nhàu buộc nhân viên thu phí phải giở ra để vuốt lại cho phẳng mới đếm được. Không ít tài xế cố tình qua lại trạm nhiều lần với mục đích duy nhất chỉ để trả phí bằng tiền lẻ.
Thậm chí có lái xe tên Toàn ở huyện Mỹ Hào còn giả làm cho xe chết máy để sửa chữa, có lái xe khi đến trạm thu phí thì tắt máy để trả tiền vé, có tài xế thì giả vờ xe hỏng rồi quay ngang đầu xe để nổ máy gây ùn tắc thêm.
Cũng theo người dân, do né trạm thu phí, nhiều xe tải trọng lớn đã đi vào đường tránh 0 qua các xã Phan Đình Phùng (Mỹ Hào), Minh Hải và Lạc Đạo (Văn Lâm) gây tắc nghẽn đường. Tuy nhiên, do đường tránh bị ùn tắc thường xuyên và kéo dài, các lái xe buộc phải đi theo Quốc lộ 5 qua trạm thu phí. Họ chấp nhận trả phí giá cao hơn trước và dùng tiền lẻ mệnh giá nhỏ để trả phí nhằm phản đối việc tăng giá gấp 4 lần so với trước.
Buổi tối 5/9, việc phản đối trạm thu phí còn hoạt động "có tổ chức", với hàng chục xe được các tài xế cùng đồng loạt đi qua trạm thu phí để gây áp lực bằng những chiêu mà họ cho rằng không vi phạm pháp luật.
Lái xe đề nghị giảm phí
Việc dùng tiền lẻ trả phí chủ yếu diễn ra với cánh tài xế xe tải trên 10 tấn và xe ô tô dưới 12 chỗ. Một lái xe vừa trả tiền lẻ vừa nói: "Không làm thế này thì có ai đấu tranh cho chúng tôi đâu, đi có hơn 10 cây số mà mất đứt 80.000 đồng".
Tương tự, một chủ xe xưng tên Hải ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm) cho biết, anh làm việc ở Phố Nối cách nhà chưa đầy 10 km, hàng ngày phải qua trạm thu phí 4 lần, riêng tiền phí hết 160.000 đồng. Mỗi tháng tính sơ bộ hết hơn 3 triệu đồng, nên tiền lương hàng tháng không đủ trả phí, thậm chí tốn hơn đi tắc xi. Anh cho rằng, với những người dân sống gần trạm thu phí cần có phương án hợp lý để việc đi lại trên đoạn đường ngắn không bị tốn kém như hiện nay.
Lái xe Nguyễn Viết Hạnh, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ nói: "Trước đây giá vé chỉ có 10.000 -15.000 đồng, bỗng chốc tăng vọt lên 45.000 đồng, vừa rồi mới giảm đi 5.000 đồng. Hàng tháng lái xe đã đóng tiền phí bảo trì đường bộ, nay chịu thêm mức phí cao thì không kham nổi. Trong khi đó tiền thu từ trạm không dành tu sửa đường Quốc lộ vốn bị lồi lõm, đèn đường cũng không được bật, rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ở đây. Các lái xe làm vậy chỉ với mong muốn trạm giảm phí thu, để đảm bảo sự công bằng và tham gia giao thông an toàn".
Còn tài xế xưng tên Nguyễn Văn Bình, chủ một doanh nghiệp vận tải ở huyện Yên Mỹ than phiền, mỗi lượt qua trạm tiền phí mất 125.000 đồng, tốn kém hơn cả tiền xăng và việc kinh doanh vận tải không có lãi nên cực chẳng đã phải dùng tiền lẻ trả phí để phản đối việc thu phí. Anh Bình cũng cho biết, trong những ngày tới, sẽ vẫn dùng tiền lẻ trả phí.
Lái xe tên Toàn ở huyện Mỹ Hào bức xúc nói: "Tôi nghe nói rằng, việc tăng thu phí Quốc lộ 5 là để hỗ trợ cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là điều phi lý. Bởi chúng tôi không đi con đường đó sao phải gánh chịu việc trả phí. Trong khi mức phí quá cao lại tỷ lệ nghịch với chất lượng đường xấu, nên anh em lái xe mới phản đối, phải đi vào đường dân sinh; trong đó có nhiều xe quá trọng tải sẽ phá nát đường, đó là chưa kể nguy cơ tai nạn giao thông rình rập."
Anh Toàn cũng cho biết thêm, hầu hết các lái xe đều đề nghị giảm phí về mức cũ hoặc xóa bỏ trạm thu phí là tốt nhất.
Địa phương vào cuộc
Người dân xã Đình Dù bức xúc cho biết, hiện nay trạm thu phí ùn tắc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kéo theo nhiều hệ lụy, lực lượng công an phải huy động nhiều và căng mình làm việc. Xe qua trạm thì cố tình kéo dài thời gian gây ùn tắc, mất thời gian của nhiều người, đó là chưa kể các trường hợp xe cứu thương chở bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời...
Trao đổi về giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết: Trước mắt tỉnh đã giao cho ngành công an huy động lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đến để phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự; đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân có ý thức khi tham gia giao thông để tránh gây ùn tắc. Về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ làm việc với Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để xem xét báo cáo Bộ Giao thông Vận tải có phương án xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hưng Yên cho hay, Sở cũng đang phối hợp với Sở Tài chính làm văn bản tham mưu UBND tỉnh để xem xét đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính 2 vấn đề: Thứ nhất giảm mức phí 50% cho các loại phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 5; Thứ hai miễn giảm phí cho nhân dân tham gia phương tiện giao thông cơ giới ở khu vực quanh trạm thu phí.