Tình trạng “xe dù bến cóc” đã tồn tại và kéo dài từ lâu trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đây là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sai quy định, khó kiểm soát bởi các nhà xe dừng trả, bắt khách tùy tiện không đúng điểm. Có thể nói, hoạt động này chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa” vì ít ngày lại tái diễn vi phạm. Thậm chí, vì lợi ích kinh tế, các chủ xe bất chấp làm liều, trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nêu cao quyết tâm ngăn chặn triệt để “xe dù bến cóc” trong thời gian tới.
"Xe dù bến cóc" trá hình và tinh vi
Tình trạng “xe dù bến cóc”, xe khách trá hình đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác; đặc biệt, là các thành phố lớn. Những dịp cuối năm, dịp nghỉ lễ dài ngày, khi nhu cầu đi lại tăng cao, các loại hình trên lại có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe… gây mất trật tự, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng còn gây thất thu thuế cho Nhà nước, xâm phạm quyền lợi của hành khách đi xe khi không có bảo hiểm cho trường hợp xảy ra sự cố an toàn giao thông; gây bức xúc dư luận xã hội...
Nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay còn sử dụng những chiêu trò rất tinh vi để cố tình lách luật như: đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định chỉ thông qua địa bàn Hà Nội để được đón, trả khách, hàng hóa tại nhiều nơi trong thành phố. Hay tinh vi hơn là ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành (hoặc tự thành lập) để nhận đặt chỗ, gom khách, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Có doanh nghiệp vận tải còn sử dụng cả xe biển số quốc gia Lào để hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch hai chiều, như trên tuyến Sa Pa, Lào Cai nhằm tránh né các thủ tục kiểm tra, kiểm soát; một số cá nhân sử dụng phù hiệu xe khách tuyến cố định làm giả để hoạt động trái quy định; có một số phương tiện ở các tỉnh bạn được cấp 2 phù hiệu, trong lúc các văn bản pháp luật quy định rõ, một phương tiện chỉ được cấp 1 phù hiệu để hoạt động, dẫn tới khó kiểm soát…
Theo số liệu của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm đối với 2.264 trường hợp vi phạm, với mức tiền phạt trên 3 tỷ đồng, tạm giữ 23 phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn trên 200 trường hợp.
Những con số nêu trên phần nào minh họa cụ thể cho việc “nở rộ” vi phạm trong lĩnh vực này; trong đó, còn nhiều vụ việc chưa được phát hiện xử lý. Đây là một kết quả đáng ghi nhận và cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn “xe dù bến cóc”. Quả đây đã giảm rất nhiều các hành vi vi phạm, các xe vận tải tuyến cố định khi xuất bến, ra ngoài bến hạn chế đi vòng vo đón trả khách. Tại 6 bến xe trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các bến xe lớn như: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát phần lớn xe đã quay trở lại bến hoạt động theo đúng quy định, biểu đồ, dẫn tới sản lượng hành khách vào bến cũng đã tăng.
Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, vận tải hành khách luôn diễn ra phức tạp; các tuyến xe cố định, tuyến tại các bến xe tăng, mật độ phương tiện tham gia giao thông, các phương tiện vận tải hành khách đều tăng cao cả về số lượng và biểu đồ chạy xe. Vì vậy, lực lượng Thanh tra cũng đang hoạt động ở mức cao độ nhất với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Trước tình hình trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ban hành kế hoạch, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu đảm bảo tốt, thuận tiện và an toàn cho người dân tham gia giao thông, nhất là an toàn trong vận tải hành khách. Thanh tra Sở đã ban hành kế hoạch trọng điểm riêng để tập trung thực hiện chấn chỉnh trong lĩnh vực vận tải hành khách; trong đó, chú trọng phối hợp với Công an các quận, huyện tiến hành tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm tại các bến xe và các tuyến đường lân cận.
Đâu là nguyên nhân?
Tâm lý đối với hành khách, cứ thuận tiện, giá cả phù hợp, chất lượng dịch vụ tốt là họ sẽ lựa chọn. Thực tế cho thấy, “xe dù”, xe khách trá hình thường lựa chọn tuyến đường hoặc vị trí đón khách ở những khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu chung cư, bệnh viện… hoặc sẵn sàng đưa đón tận nơi. Trong khi đó xe khách tuyến cố định chỉ có thể đón trả tại bến, kém thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, người dân muốn đến được bến xe khách phải trung chuyển qua nhiều hình thức như người nhà đưa đón, “xe ôm”, taxi, xe buýt, tốn thêm một khoản chi phí ngoài vé xe liên tỉnh. Trong khi đó, xe khách hợp đồng trá hình, “xe dù”… đưa đón tận nơi giá vé tương đương.
Về chất lượng dịch vụ, lại càng có sự chênh lệch, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe khách tuyến cố định hiện nay còn chưa chú trọng đến việc đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thậm chí, ham lợi nhuận trước mắt, còn sẵn sàng vòng vo dọc đường để bắt thêm khách, nhồi nhét, thu quá giá… dẫn đến việc hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng xe tuyến cố định; chuyển sang lựa chọn xe khách hợp đồng trá hình hoặc các loại hình vận tải khác.
Không những vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, đặt vé, quảng bá thương hiệu… trong khi xe khách hợp đồng trá hình thì ngược lại. Bên cạnh những vấn đề khách quan thì nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển mình chậm trễ của chính các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định nên khó cạnh tranh với xe khách hợp đồng trá hình.
Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp vận tải và người lái xe chưa cao; việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải còn mang tính hình thức, thời vụ, chưa chú trọng tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức để người dân không bắt xe dọc đường, trên đường cao tốc… mà vào bến xe mua vé; đồng thời, chưa áp dụng khoa học công nghệ trong nhận diện, cảnh báo, trích xuất dữ liệu để xử phạt các vi phạm như chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định…
Một trong những nguyên nhân nữa là việc phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ cũng như chính quyền địa phương còn chưa triệt để, kịp thời; sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến vi phạm tiếp tục tái diễn, bỏ sót vi phạm... chưa quy được trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động vận tải.
Bài 2: “Khai tử xe dù bến cóc”