Tân Trào - xã nông thôn mới đầu tiên ở Tuyên Quang

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Tân Trào huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh


Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi mới đặt chân đến xã Tân Trào, “Thủ đô kháng chiến”, là những con đường bê tông phẳng phiu, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, từng đoàn xe đưa đón khách du lịch đến thăm quan các điểm di tích lịch sử.

Bản văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào hôm nay.



Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào cho biết: Tân Trào là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước...

Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng, người dân ở Tân Trào đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho vùng quê vốn còn nhiều khó khăn trước đây.

Ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân, thôn điển hình nhất về xây dựng nông thôn mới ở Tân Trào cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình rất hợp với lòng dân, các tiêu chí trong Chương trình phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân nên khi triển khai thực hiện Chương trình người dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng, hoàn thành các tiêu chí đề ra.

Điểm nổi bật nhất trong xây dựng nông thôn mới ở thôn Vĩnh Tân là việc giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thôn có 109 hộ, đến cuối năm 2013 chỉ còn 10 hộ nghèo, đến nay thôn không còn hộ nghèo. Đặc biệt, thôn đã thành lập được Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân - làng nghề đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Qua đó, thay đổi được tư duy sản xuất của người dân sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn lên 25 - 30 triệu đồng/người/năm.

Ông Thảnh cũng cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và tập trung phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều hộ gia đình trong thôn đã thoát nghèo, đời sống được nâng lên. Nhà tạm, nhà dột nát trong thôn không còn.

Anh Nguyễn Văn Thuận, một trong những hộ gia đình vừa vươn lên thoát nghèo tại thôn Vĩnh Tân chia sẻ: Trước đây, cả gia đình tôi phải sống trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ từ đời ông bà để lại. Trải qua thời gian, ngôi nhà đã bị hư hỏng, mục nát, gia đình lúc nào cũng sống cảnh lo sợ mỗi khi có mưa bão, bởi nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. Đến tháng 4/2013, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ xóa nhà tạm của xã hỗ trợ 32 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, bạn bè, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi yên tâm lao động, sản xuất nên đã vươn lên thoát nghèo.

Nâng cao đời sống người dân

Gia đình anh Hoàng Văn Lân, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào vừa xây xong ngôi nhà sàn 3 gian, 2 chái, với tổng vốn đầu tư 400 triệu đồng, trong đó Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng. 10 gia đình dân tộc Tày khác trong thôn Tân Lập cũng được hỗ trợ để bảo tồn nhà sàn bằng bê tông cốt thép, giả gỗ; với tổng số vốn hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, qua đó, giúp các hộ dân vừa để ở kết hợp phát triển du lịch. Cách bảo tồn này vừa giữ được bản sắc văn hóa và giải quyết tình trạng phá rừng lấy gỗ làm nhà.

Đến Tân Trào những ngày này nhìn rõ sự đổi thay. 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa...
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, sinh năm 1978, từng du học ở Anh quốc với tấm bằng Thạc sỹ, chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực. Đầu năm 2013, anh được “biệt phái” từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuống làm Chủ tịch UBND xã Tân Trào. Anh Hòa cho biết: Đảng bộ và các dân tộc trong xã quyết tâm phát huy “nội ngoại lực” xây dựng thành công nông thôn mới như kế hoạch đề ra.

Đến nay, Tân Trào đã đạt được 19/19 tiêu chí theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Đời sống kinh tế của người dân có bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 tăng gần 2 lần so với khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, từ 8,5 triệu lên 16,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 16%, đến nay giảm còn 3%; trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện an toàn, thường xuyên theo yêu cầu của ngành điện; 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia...

Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Xã đã tiến hành thu hồi đất 5% công ích được khoảng 10 ha, rồi sắp xếp giao khoán lại cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, Tân Trào đã xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng cây đặc sản; xây mới các nhà văn hóa tại các thôn; xóa nhà tạm cho 260 hộ... Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo bước đệm để thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của xã, anh Hòa cho biết thêm: “Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân phải được đặt lên hàng đầu, bởi khi người dân hiểu và hưởng ứng thì thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện Chương trình cần phải sắp xếp thời gian phù hợp, tránh những thời điểm người dân bận rộn với mùa vụ; sàng lọc các tiêu chí, tiêu chí dễ, không cần sự đầu tư của Nhà nước thực hiện trước, tiêu chí khó thực hiện sau. Đồng thời, phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tinh thần chủ thể của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra; tạo sự đồng bộ và thống nhất từ các cấp chính quyền đến người dân...”.

Thời gian tới, để duy trì và phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, Tân Trào tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn bản. Đồng thời, tập trung tuyên truyền vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Xã tiếp tục huy động sự đóng góp, đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân để xây dựng hạ tầng du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để tạo việc làm, thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững... phấn đấu giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới qua các năm làm cơ sở đề nghị công nhận đạt chuẩn 5 năm về nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất vinh dự được chọn là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.

Quang Đán - Phạm Yến

Chủ tịch nước thăm, làm việc tại Tuyên Quang
Chủ tịch nước thăm, làm việc tại Tuyên Quang

Trong 2 ngày 19-20/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khảo sát các mô hình nông thôn mới, cơ sở kinh tế-xã hội và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN