Phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch của Chính phủ về quản lý tài chính công, phòng, chống tham nhũng ngày càng được coi trọng.
Kiểm toán Nhà nước luôn chủ động áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ kiểm toán viên và hiệu quả hoạt động trong một số lĩnh vực kiểm toán mới, ưu tiên hiện nay như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin...
Theo Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc, Kiểm toán Nhà nước đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, những nguồn lực to lớn và hỗ trợ kỹ thuật quý báu từ các đối tác phát triển thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật. Kể từ khi thành lập, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực phối hợp và nhận được sự hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ kiểm toán toàn diện Canada (CAAF)... thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực, các chương trình kiểm toán nguồn vốn ODA tại Việt Nam.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tập trung nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và định hướng chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn tiếp theo. Kiểm toán Nhà nước khẳng định cam kết và ưu tiên cao nhất đối với các hoạt động này nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm toán nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp. “Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh nguồn lực nội tại, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao những kinh nghiệm quốc tế của Kiểm toán Nhà nước các nước phát triển cũng như sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các đối tác phát triển đã sát cánh cùng Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua và cả trong thời gian tới”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Ông Fily Sissoko, Giám đốc Khối Quản trị Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội quý báu để Kiểm toán Nhà nước và các đối tác cùng thảo luận, tìm kiếm định hướng, biện pháp tăng cường hợp tác theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn trong tương lai. Hiện cơ quan này đang có hai ưu tiên quan trọng, phù hợp với chiến lược đối tác quốc gia tại Việt Nam là: Công nghệ đột phá và Kiểm toán môi trường.
Về môi trường, theo ông Fily Sissoko, tác động của biến đổi khí hậu tới những thành tựu phát triển Việt Nam ngày càng lớn. Vì thế, Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong rà soát, xem xét chính sách, đảm bảo đánh giá đầy đủ tác động của môi trường, giảm thiểu rủi ro.
Liên quan đến công nghệ, ông Fily Sissoko cho rằng, đây là vấn đề đòi hỏi kỹ năng mới của kiểm toán viên, các công cụ kiểm toán, đánh giá rủi ro tiên tiến hơn. Do đó, cần thay đổi thủ tục kiểm toán truyền thống sang cách làm hiện đại hơn.
Báo cáo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, ông Trần Kim Lộc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho tổ chức và hoạt động. Bên cạnh đó, ngành ưu tiên thành lập kiểm toán chuyên ngành mới có chức năng, nhiệm vụ kiểm toán chuyên sâu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Theo đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống cơ sở dữ liệu và các ứng dụng nhằm kết nối liên thông để trao đổi, chia sẻ thông tin nội bộ, kết nối liên thông với các đơn vị ngoài ngành; xác định lộ trình phù hợp để chuyển quy trình/thủ tục kiểm toán truyền thống sang quy trình/thủ tục kiểm toán số và phương thức kiểm toán dựa trên nền tảng công nghệ, tài nguyên số, tiêu biểu là dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT).