Bên cạnh các chợ truyền thống, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 50 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trên 10 nhà phân phối hàng hóa đang hoạt động. Đến thời điểm này giá cả hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà phân phối vẫn tương đối ổn định, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long Văn Quốc Hoàng cho biết, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, siêu thị chỉ phục vụ khách hàng mua sắm online và các Tổ đi chợ thay trên địa bàn. Hiện siêu thị tập trung chính cho nhóm hàng hóa nhu yếu phẩm như mì gói, đồ hộp, nước chấm, gia vị và một số hàng thực phẩm đông lạnh… Riêng hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ các loại được siêu thị nhập theo tiến độ hàng ngày. Siêu thị đảm bảo cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho người dân với giá cả ổn định.
Chị Lê Trúc My (Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai), một trong những nhà phân phối hàng hóa lớn của tỉnh Vĩnh Long cho biết, giá cả hàng hóa thiết yếu hiện vẫn ổn định, không có tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến, chỉ có dầu ăn tăng khoảng 10%, mì gói tăng từ 10-20%, do chi phí vận chuyển tăng. Riêng mặt hàng mì gói hiệu “3 Miền”, “Hảo Hảo” có xảy ra tình trạng thiếu cục bộ do các nhà máy sản xuất các loại mì này bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang phải áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" nên chỉ hoạt động tối đa 50% công suất; đồng thời do nhu cầu của người dân quen sử dụng 2 nhãn hiệu mì nói trên. Hiện trung bình mỗi ngày đơn vị nhập hàng khoảng 3.000 thùng mì các loại, do đó đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, để góp phần ổn định thị trường, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh đã ra quân kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp pháp phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động cung ứng hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.
Quyền Chánh thanh tra Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Đỗ Văn Pha cho biết, phần lớn các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đều chấp hành của tỉnh, có lập chốt kiểm soát chỉ cho người trong Tổ đi chợ thay vào mua hàng, không để người dân đi vào mua hàng trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số chợ, cửa hàng tiện lợi chưa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch như để xảy ra tình trạng người dân tự ý vào chợ, cửa hàng; các điểm bán hàng tự phát vẫn còn dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đoàn kiểm tra liên ngành 9 tỉnh đã lập biên bản 4 trường hợp để người dân và mua hàng hóa trực tiếp tại cửa hàng; phối hợp xử lý 18 trường hợp người dân đến trước cổng chợ, cửa hàng tiện lợi để mua hàng không thông qua Tổ đi chợ thay.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, Sở đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kiểm soát người ra vào chợ, duy trì các chốt kiểm soát người ra vào chợ trong suốt thời gian hoạt động của chợ và chỉ cho các Tổ đi chợ thay vào chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng hóa; đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Trường hợp các chợ không đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định thì đề nghị địa phương xem xét quyết định tạm dừng hoạt động chợ đến khi đảm bảo các điều kiện hoạt động trở lại.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tăng cường thực hiện bán hàng online, qua điện thoại, giao hàng tận nơi cho khách hàng nhưng phải đảm bảo điều kiện về phòng chống dịch bệnh.
Song song đó, các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, về an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cung cấp trên thị trường… để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian giãn cách xã hội.