Mặc dù ngay từ trước Tết Nguyên đán, dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã bùng phát tại Trung Quốc nhưng hai ngày trở lại đây thị trường trong nước đã cháy hàng đối với các loại khẩu trang và nước rửa tay khô bởi tâm lý lo sợ dịch bệnh lây lan. Cũng chính bởi vậy mà cung vượt cầu, thị trường không còn đủ nguồn hàng phân phối dẫn đến tình trạng tăng giá đột biến, nhiều nơi còn găm hàng nhằm trục lợi gây hỗn loạn thị trường.
Khan hàng tăng giá
Hai ngày trở lại đây, từ khoá "khẩu trang" được ví như khẩu trang của tất cả mọi người từ già đến trẻ, từ trong nhà ra ngoài phố cũng như tại hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng.
Đại dịch lây lan nhanh chóng không còn nằm trong địa phận Trung Quốc mà đã vượt biên sang rất nhiều nước trên thế giới; trong đó, có Việt Nam. Vì thế, người dân khắp nơi trên toàn cầu đang lùng mua khẩu trang để bảo vệ cho bản thân và người thân trong gia đình khỏi virus Corona chủng mới gây viêm phổi cấp dù đây vẫn chưa phải là biện pháp hiệu quả nhất.
Xếp hàng và lùng mua khẩu trang, nước rửa tay khô là tình trạng chung tại khắp các nước và vùng lãnh thổ từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… và thậm chí ngay cả tại Hoa Kỳ.
Người dân xếp hàng chờ nhiều giờ ở các cửa hàng và nhà thuốc với hy vọng mua được những chiếc khẩu trang, nhất là loại khẩu trang N95 (khả năng lọc được bụi, khói, vi khuẩn lên đến 95%) do Công ty 3M (Mỹ) sản xuất để gửi về cho người thân ở Trung Quốc hoặc để bán lại ở các kênh trực tuyến, thường là thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent.
Chia sẻ của người dân từ TP San Francisco ở bang California cho đến TP Orlando ở bang Florida cho biết, họ không thể tìm mua được khẩu trang y tế ở các cửa hàng như thường lệ bởi các nhà thuốc đã bán sạch khẩu trang nhưng vẫn chưa biết khi nào nhận được nguồn hàng mới.
Riêng tại Việt Nam, hầu hết các cửa hàng khi được hỏi mua khẩu trang y tế và nước rửa tay đều lắc đầu quầy quậy với lý do hết hàng. Một số nơi đã thu gom các loại khẩu trang 3 lớp dùng một lần nhưng giá bán tăng hơn rất nhiều lần so với những ngày trước đó.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, nhân viên văn phòng ngân hàng Viettinbank cho hay, lo sợ trước dịch bệnh lêy lan cho bản thân và những người trong gia đình, sáng nay chị đã tất tả chạy ra các hiệu thuốc khu vực quận Hai Bà Trưng để tìm mua khẩu trang và nước rửa tay khô.
Tuy nhiên, sau khi hỏi thì cả chục cửa hàng thuốc đều hết hàng, chỉ còn một cửa hàng bày bán khẩu trang nhưng thay vì giá 65.000 đồng/hộp 50 chiếc dùng một lần như trước đây thì nay đã tăng lên 250.000 đồng/hộp.
Theo chị Bùi Ngọc Hương- một đầu mối bán buôn trang unicharm Nhật Bản, một tuần trước khẩu trang loại này đang được bán ra với giá 270.000/hộp 100 chiếc nhưng hai hôm trở lại đây giá một hộp đã gần chạm ngưỡng 400.000 đồng.
Chị Bùi Ngọc Hương cũng cho rằng, sở dĩ giá tăng bởi nhu cầu trong dân quá cao khiến nguồn cung không đủ dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cũng bị đẩy lên cao từ kho tổng.
Khảo sát tại dãy phố Phương Mai chuyên bán các loại thiết bị y tế cho thấy, thị trường khẩu trang y tế rất sôi động. Anh Mai Ngọc Lâm chủ cửa hàng thiết bị y tế tại đây cho hay, những ngày vừa qua sức tiêu thụ mặt hàng khẩu trang y tế tăng mạnh có ngày cửa hàng bán được gần 700 chiếc. Giá cũng đắt theo nhu cầu tăng lên của khách hàng.
Cụ thể, trước đây, 1 chiếc khẩu trang 3M có giá 18.000 – 20.000 đồng thì nay tăng lên 50.000 đồng. Khẩu trang y tế trang bị lớp than hoạt tính cũng đã tăng tới 250.000 đồng/hộp và khẩu trang sợi hoạt tính khác như Kissy, Kari Bon,… cũng đồng loạt tăng 10.000 - 20.000 đồng/chiếc, hiện được bán với giá từ 30.000 - 60.000 đồng/chiếc.
Không chỉ tại nhà thuốc, tại một số siêu thị tiện ích, như Aeon Mall, Vinmart, Circle K lượng người tìm mua khẩu trang y tế cũng tăng đột biến khiến nhiều nơi không còn hàng để bán. Ngoài ra, dung dịch sát khuẩn tay cũng đang trong tình trạng cháy hàng. Đơn cử loại dung dịch rửa tay khô sát khuẩn ANIOSGEL 85 NPC do Pháp sản xuất trước đây chỉ có giá 150.000 – 250.000 đồng nhưng hiện tại đang ở mức 400.000 đồng/lọ cũng không có hàng để bán.
Không để té nước theo mưa
Dù vậy, không ít những cửa hàng thuốc vẫn không vì thế mà tát nước theo mưa, găm hàng tăng giá. Đại diện cửa hàng thuốc Phương Lê tại phố Bạch Mai chia sẻ: Mấy ngày nay người tiêu dùng lùng sục mua các loại khẩu trang, nước rửa tay khô rất nhiều. Tuy nhiên, phía đại lý đã tăng giá lên rất cao so với trước đây nên cửa hàng kiên quyết không nhập hàng về bán để tạo nên làn sóng tăng giá ồ ạt.
Do đó, cửa hàng khuyên người tiêu dùng nên vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm cổ, uống nhiều nước và đặc biệt là rửa tay thường xuyên. Bởi, nếu không phải là khẩu trang y tế N95 thì các loại khẩu trang thông thường chỉ dùng để cản bụi bẩn chứ không thể tránh được nhiễm khuẩn. Vì thế, người tiêu dùng nên cập nhật thông tin và thông thái hơn khi lựa chọn tránh tình trạng nhiều cửa hàng lợi dụng để tăng giá đột biến.
Để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, theo ông Hoàng Ánh Dương-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số biện pháp cụ thể.
Do đó, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa.
Ngoài ra là các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona.
Đồng thời, vào cuộc kiểm tra, phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.
Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường yêu cầu.
Tổng cục quản lý thị trường cũng giao Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường là đầu mối theo dõi, phối hợp kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục khi được yêu cầu và chống dịch kết thúc. Theo quy định hiện hành, các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý thu lợi bất chính sẽ bị xử lý nghiêm.
Sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường Hà Nội, ngay trong sáng 31/1, Đội Quản lý thị trường số 1 (Đội cơ động) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU- số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá và bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân hầu như không quan tâm đến vấn đề giá cả có được bán đúng giá hay không.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có cũng như cam kết bán đúng giá đã niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục tập trung kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa là khẩu trang y tế các loại, sản phẩm sát khuẩn tay-chân-miệng các loại trên các khâu lưu thông hàng hóa bao gồm cả kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, đảm bảo thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội theo công văn số 149/TCQLTT-CNV ngày 31/1/2020 và Công văn số 82/QLTTHV-NVTH ngày 30/1/2020.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, mặc dù theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Tuy nhiên, nếu nhu cầu thị trường tăng cao có thể sẽ thêm nhiều nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp hiện hữu sẽ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến tăng giá bất hợp lý.