Xã Cam Thành, huyện Cam Lộ có địa hình chủ yếu là gò đồi. Nhiều năm qua, người dân xã Cam Thành tập trung trồng hồ tiêu, cao su. Thời gian gần đây, giá cao su, hồ tiêu xuống thấp, các loại cây này cũng thường xuyên bị dịch bệnh nên thu nhập không ổn định. Do đó, nhiều hộ ở Cam Thành đã chuyển đổi sang trồng dâu, cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Mỗi ha dâu cho năng suất từ 2,5 – 3 tấn quả/năm.
Quả dâu tươi có giá bán từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Mỗi ha dâu cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Ông Trần Văn Quốc, trú ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành cho biết, cây dâu phù hợp với thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc. Ngoài bán quả dâu tươi, bà con nông dân còn chủ động sản xuất các sản phẩm từ quả dâu như: rượu dâu, si rô dâu... qua đó tăng giá trị từ nghề trồng dâu.
Từ năm 2018 – 2019, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi được trên 1.000 ha đất lúa bị thiếu nước, đất trồng cây công nghiệp dài ngày thường xuyên bị dịch bệnh sang trồng cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đó, trên những diện tích đất lúa chuyển đổi, tỉnh tập trung chuyển từ trồng lúa sang trồng dưa hấu, đậu xanh, mướp đắng, sắn dây. Ở vùng gò đồi, thay thế vườn cao su, hồ tiêu già cỗi bằng những vườn cây trồng mới như dâu, chanh leo, dứa, chuối. Trong vụ Hè Thu 2020, dự kiến tỉnh có 1.300 ha diện tích đất lúa không thể sản xuất do hạn hán.
Do đó, tỉnh khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về cây giống, chi phí làm đất… để chuyển đổi diện tích đất có nguy cơ thiếu nước, sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn cao hơn. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Quảng Trị cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, từ nay đến năm 2021, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, được tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 50% chi phí thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tiền thuê đất của hộ gia đình, cá nhân với mức 30% đối với vùng khó khăn, 50% đối với vùng đặc biệt khó khăn trong thời gian 3 năm; miễn 100% phí thuê đất hoặc thuế nông nghiệp trong 5 năm đầu tiên đối với doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ về đất đai, cây giống; tỉnh còn tập trung hỗ trợ bà con nông dân, chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.