Để phát huy hiệu quả kinh tế, hiện nay tỉnh đang mở rộng loại hình chăn nuôi cừu theo quy mô trang trại gắn với vùng chăn nuôi tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sinh kế trên mảnh đất khô cằn
Hơn 4 giờ chiều, ánh nắng mặt trời vẫn còn nóng rát, xương rồng loài cây đặc trưng của vùng đất khô hạn bung những bông hoa đỏ mọc dày đặc cả hai bên đường vào trang trại nuôi cừu của ông Đạo Thanh Tường trong khu kinh tế mới An Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải). Trong làn bụi đất vàng bay mù mịt, ông Tường lùa đàn cừu trên 200 con lớn nhỏ về trang trại, sau một ngày dài kiếm ăn những con cừu no tròn căng bụng đi theo hàng dài tuần tự leo lên cầu thang vào chuồng trong tiếng kêu be be inh ỏi gọi bầy.
Ông Tường với làn da rám nắng, đầu đội mũ bịt kín tai, một tay cầm roi xua đàn cừu lên chuồng, mắt theo dõi từng con. Khi cả đàn vào chuồng, ông cẩn thận bế những con cừu nhỏ cả ngày đi theo cừu mẹ lên kiểm tra sức khỏe một lần nữa rồi mới yên tâm đóng cửa chuồng. Chủ trang trại cho hay, hiện đang là mùa khô, cây cỏ ở xung quanh trang trại không đủ nên mỗi ngày chúng tôi phải lùa cả đàn cừu đi hàng cây số tới các đồng cỏ, thung lũng dưới chân núi có nguồn nước để chăn thả. Nơi đây mưa ít, nắng gió gần như quanh năm nên chỉ có nuôi cừu là thích hợp nhất.
Gia đình đã nuôi cừu hơn 15 năm nay, nuôi cừu không tốn kém so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, bởi cừu nuôi thả cho ăn lá cây, rơm, cỏ và các loại củ quả, thức ăn ủ chua…Nếu chăm sóc tốt, mỗi năm cừu đẻ được 2 lứa, mỗi lứa có thể từ 1 đến 2 con, khi nuôi để lấy thịt một con trung bình nặng từ 15kg đến 25kg. Mỗi năm gia đình thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng từ bán cừu, nhờ đó giúp con cái có điều kiện ăn học, kinh tế gia đình ổn định, ông Tường chia sẻ thêm.
Tương tự, để thuận lợi cho việc chăn thả, anh Tài Đại Trung, người Chăm ở xã Xuân Hải cùng vợ con chuyển lên xã Phước Trung, huyện Bác Ái xây trang trại nuôi cừu, bò. Anh Trung cho biết, trước đây, anh vốn làm nghề thuốc Nam đi bán khắp nơi nhưng kinh tế bấp bênh, cuối cùng anh chọn nuôi cừu làm kế sinh nhai lâu dài. Lúc đầu, anh Trung mua lại đàn cừu 50 con, cừu nhân đàn nhanh, cừu cái khoảng 8 – 9 tháng tuổi đã có khả năng sinh sản 2 lứa trong vòng một năm, mỗi lứa đẻ từ 1-2 con, nuôi khoảng 5 tháng là có thể xuất bán.
“Cừu đực trọng lượng 15 – 20kg hiện được thương lái mua với giá bình quân 120.000 đồng/kg, cừu cái giống bán với giá gần 3 triệu đồng/con. Khoảng 2 đến 3 tháng, gia đình bán một lứa cừu tầm 20 con, hiện đàn cừu của gia đình đang duy trì ổn định ở mức 150 con. Cùng với nuôi cừu, gia đình đang nuôi 27 con bò, bình quân mỗi năm thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng từ tiền bán cừu và bò, nhờ đó gia đình đã thoát được nghèo”, anh Trung chia sẻ.
Tại Ninh Thuận, cừu được nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc. Theo các hộ nuôi cừu ở địa phương, so với bò, dê, cừu là vật nuôi phù hợp nhất ở vùng đất bán sa mạc nhờ đặc tính chịu đựng được khí hậu khô nóng và thích nghi với nhiều loại thức ăn. Nuôi cừu chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, giá cừu trong những năm gần đây khá ổn định, thường dao động ở mức từ 90.000 - 130.000 đồng/kg hơi (tùy trọng lượng, cừu đực hay cái). Nhờ nuôi cừu nhiều hộ đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập khá.
Phát triển nghề nuôi
Cừu được xác định là vật nuôi đặc thù có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế, song nghề chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực thiếu thức ăn từ tự nhiên đối với vùng chăn nuôi cừu và các gia súc khác trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng do những năm gần đây thời tiết khô nóng kéo dài khiến những đồng cỏ ở địa phương dần trơ trụi và phạm vi đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp để ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội khác.
Rút kinh nghiệm sau những đợt hạn hán, lũ lụt, người chăn nuôi đã bắt đầu trồng cỏ, bổ sung thức ăn tổng hợp để nuôi cừu hướng thịt nhưng cũng còn hạn chế, chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn thức ăn từ tự nhiên. Các hộ chăn nuôi đa phần ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi với doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra phụ thuộc nhiều vào các thương lái nên hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm giúp người chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò.
Cụ thể, đối với vật nuôi thế mạnh là cừu, tỉnh đặt mục tiêu phát triển đàn cừu đến năm 2025 đạt 150.000 con và định hướng đến năm 2030 đạt 220.000 con, vùng nuôi cừu tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái; đưa số lượng cừu lai của tỉnh lên 85% vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt trên 90%; tăng sản lượng thịt cừu bình quân 4-5%/năm
Để đạt các mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp hiện đang phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cải tạo đàn bằng phương pháp hoán đổi cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi, giữa các địa phương với nhau nhằm tránh nguy cơ đồng huyết. Đồng thời, cho lai tạo giống cừu ngoại như cừu Dorper, cừu White Suffolk để đa dạng hóa nguồn gen, góp phần nâng cao chất lượng đàn cừu của địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhằm hạn chế phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, ngành nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi theo mô hình nuôi bán chăn thả, từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; tập huấn kỹ thuật chế biển, ủ thức ăn xanh kết hợp bổ sung thức ăn tinh để phát triển nuôi cừu theo hướng bền vững.
Để nâng cao giá trị kinh tế, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết đầu tư vào chăn nuôi cừu theo chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, ngành chức năng của tỉnh tăng cường giám sát, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ Ninh Thuận; kết hợp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ; gắn hoạt động chăn nuôi cừu với du lịch để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi.