Tăng 'sức đề kháng' cho doanh nghiệp

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên toàn quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, để giúp doanh nghiệp có thêm “sức đề kháng” cũng như nguồn lực để khôi phục và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ; trong đó phải kể tới các chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí. 

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" nhằm duy trì không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam (VCCI), trong 9 tháng năm 2021, đã có khoảng 90,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 15,3% so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã theo sát diễn biến thực tế, kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
 
Nhằm triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tính riêng trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng; trong đó, số gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số miễn, giảm là hơn 31,5 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2021 để kịp thời hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, Chính phủ đã tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng như miễn, giảm các khoản thuế, phí và lệ phí, với số tiền ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 vừa qua hết sức nghiêm trọng đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân… Nhằm kịp thời có giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tại dự thảo Nghị định lần này đối với giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định, thực hiện giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019.

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ về miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, dự thảo Nghị định đã gửi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương. Nên khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua sẽ có hướng dẫn thực hiện luôn.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ, chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế và tiền thuê đất được áp dụng sớm nhất và có tính phổ biến rộng nhất, bao trùm được nhiều đối tượng doanh nghiệp. Có thể nói đây là chính sách có ý nghĩa bởi nhiều khoản tiền như tiền thuê đất, dù doanh nghiệp không hoạt động vẫn phải nộp. Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh thu của doanh nghiệp thấp, thậm chí không có, mà những chi phí đó vẫn phải nộp sẽ là một gánh nặng.

Tương tự với các khoản thuế, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp còn hoạt động thì còn phát sinh thu nhập, có thu nhập là phải nộp thuế. Song, trong điều kiện khó khăn, doanh nghiệp phải gồng mình cố hoạt động để tạo công ăn việc làm giữ chân người lao động, duy trì mối quan hệ với khách hàng thì việc được giãn, hoãn thời gian nộp các khoản thuế này cũng rất quan trọng. Chính sách gia hạn thuế, kể cả giảm lãi vay, sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện tích lũy phần nào, bù đắp các chi phí phải bỏ ra do dịch bệnh gây nên để có thể phục hồi tốt hơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế - Học viện Tài chính, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã góp phần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất và tiêu dùng, đóng góp tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho hay, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và thực thi có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là dòng tiền giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà không phải vay vốn.

Song, cũng theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

GS.TS. Hoàng Văn Cường phân tích, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nếu như phải tiếp tục nộp các khoản thu thuế này sẽ thêm một gánh nặng. Chính sách của Chính phủ góp phần hỗ trợ khó khăn, giúp doanh nghiệp không phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn thu trong tương lai, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

“Việc thực hiện các chính sách tài khóa sẽ giảm gánh nặng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trụ lại được và có sức phục hồi sau đại dịch. Đó là biện pháp chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng tồn tại, phát triển và phục hồi của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.

Do đó, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt quản lý thu, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, kịp thời thu đúng, thu đủ.

Thùy Dương (TTXVN)
Áp lực tài chính, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xu hướng thuê văn phòng
Áp lực tài chính, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xu hướng thuê văn phòng

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động từ truyền thống sang linh hoạt, trong đó xu hướng tái cơ cấu quản lý - vận hành, thu hẹp văn phòng làm việc sao cho phù hợp với dòng tiền và những biến động nhằm thích ứng với trạng thái "bình thường mới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN