Tăng sức hút vận tải đường thủy

Hình thức vận tải đường thủy nội địa ngày càng được nhiều doanh nghiệp vận tải quan tâm bởi giá cước hợp lý, vận chuyển an toàn và thủ tục hành chính linh hoạt.

Sức hút từ những lợi thế

Đội trưởng vận tải của Công ty Xi măng Hoàng Long (Hà Nam), ông Nguyễn Trung cho biết: Hàng hóa của công ty trước đây vận chuyển đi các tỉnh chủ yếu bằng ô tô, nhưng một năm trở lại đây, khi các cơ quan chức năng kiểm soát mạnh xe quá khổ, quá tải, công ty đã chuyển dần sang vận chuyển bằng đường thủy. Thực tế, vận chuyển bằng đường bộ có giá thành cao hơn tới 4 lần đường thủy. Tính ra, nếu vận chuyển bằng đường thủy, doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Vận tải đường thủy ngày càng hút doanh nghiệp vận tải.

Mặc dù nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy nhưng trước đây, có đến 90% hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ. Mỗi năm, ngân sách nhà nước phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng đường bộ, trong khi đường thủy chưa được phát huy. Vài năm qua, với quyết tâm tái cơ cấu hệ thống vận tải theo hướng giảm tỷ trọng đường bộ, tăng cường mở các tuyến vận tải thủy, đến nay, tỷ lệ thị phần vận tải đường bộ đã giảm từ 76% xuống còn 65%. Riêng vận tải đường thủy chiếm trên 19%, tăng mạnh so với các năm trước.

Chưa hết, từ tháng 4/2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chính thức thí điểm cấp phép cho tàu vào cảng qua tin nhắn, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp vận tải và người dân về thủ tục, thời gian lưu thông qua cảng, bến thủy nội địa, thời gian di chuyển từ kho, bãi hàng đến cảng vụ.

“Trong 5 năm qua, ngành giao thông đã đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng chỉnh trang một loạt tuyến đường thủy, tạo ra kết cấu hạ tầng tốt hơn để tàu, thuyền đi lại. Con số này vẫn được đánh giá còn nhỏ so với tiềm năng của 6.500 km đường thủy nội địa hiện nay. Giai đoạn từ 2016 - 2020, cần tới 37.000 tỷ đồng để có thể hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, luồng tuyến của đường thủy nội địa, nhằm khơi thông luồng lạch, đảm bảo an toàn tàu chạy kể cả trong mùa khô, tăng sức hấp dẫn cho vận tải thủy”. Ông Hoàng Hồng Giang khẳng định

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết: Năm 2015, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường thủy nội địa đạt hơn 200.000 tấn, tăng 9% so với năm 2014. Điều này cho thấy, thị phần vận tải đường thủy nội địa ngày càng tăng lên. Hiện nay, giá cước vận tải đường thủy nội địa thuộc diện thấp nhất, chỉ bằng 30% so với đường bộ và rất thích hợp cho việc vận chuyển hàng container. Đơn cử, giá cước một container loại 40 feet từ cảng Hải Phòng lên Việt Trì lấy hàng chỉ có giá khoảng 4,5 triệu đồng tính cả các loại thuế, phí. Nếu đi đường bộ, giá cước sẽ lên tới 9 - 10 triệu đồng, tính các chi phí cầu đường có thể lên tới 12 triệu đồng.

Mở thêm nhiều tuyến mới

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), một trong những đột phá của ngành vận tải thủy thời gian qua là đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam (từ Quảng Ninh đến Kiên Giang). Chỉ sau một năm, tuyến vận tải ven biển này đã vận chuyển được hơn 6 triệu tấn hàng hóa, chủ yếu là các mặt hàng siêu trường, siêu trọng. Số hàng qua tuyến đường thủy này nếu vận chuyển theo đường bộ sẽ tương đương với 200.000 xe có trọng tải 30 tấn, gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng đường bộ.

Cũng theo ông Hoàng Hồng Giang, ngoài tuyến vận tải thủy ven biển nói trên, nhiều tuyến mới cũng đã và đang có sự khởi sắc như các tuyến vận chuyển container từ đồng bằng sông Cửu Long đi Campuchia, Hải Phòng - Việt Trì, Hạ Long - Móng Cái... Cục Đường thủy nội địa đang đề xuất cho mở thêm các tuyến vận tải thủy từ Việt Nam đi Campuchia, Trung Quốc; đồng thời nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa trọng điểm như: Hành lang duyên hải, TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, Hải Phòng - Việt Trì, Quảng Ninh - Móng Cái…

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hiện đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, người dân và đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí cho người dân và doanh nghiệp tham gia vận tải đường thủy.

Bài và ảnh: Tiến Hiếu
Đẩy mạnh cải cách hành chính giao thông đường thủy
Đẩy mạnh cải cách hành chính giao thông đường thủy

Ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đang quyết liệt cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến sự hài lòng hơn của doanh nghiệp, người dân và siết chặt quản lý vận tải thủy, nhằm cạnh tranh với các lĩnh vực vận tải khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN