Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế các nhà thầu đang huy động tối đa phương tiện thiết bị máy móc cũng như công nhân thi công nhiều ca, kể cả ban ngày và ban đêm trên công trường nhằm đẩy nhanh các phần việc bị chậm tiến độ do trước đó ảnh hưởng của thiên tai mưa lũ, dịch bệnh COVID-19 cũng như vướng mắc trong bàn giao mặt bằng. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu thông xe vào cuối năm 2021.
Tháo gỡ khó khăn
Tại công trường thi công gói thầu số 8 từ Km69 - Km78 dài khoảng 9 km trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua thị xã Hương Trà, hàng chục máy móc các loại đang được huy động ngày đêm để thi công liên tục, sau khi nhiều khó khăn, vướng mắc tại gói thầu này vừa được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hải Đăng, chỉ huy trưởng gói thầu số 8 cho biết, việc bàn giao mặt bằng tại đây diễn ra chậm nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công của các nhà thầu. Hiện nay, đơn vị vừa làm việc với địa phương để thống nhất di dời hệ thống mương nước thủy lợi nằm cắt ngang mặt đường, phối hợp với điện lực xử lý đường điện hạ thế nằm trong phạm vi công trường.
Năm 2021, theo ý kiến chỉ đạo của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) khó gia hạn hợp đồng nên các nhà thầu phải tăng cường thiết bị và nhân lực, thực hiện làm tăng ca để “đuổi kịp” tiến độ trước tháng 10 khi bước vào mùa mưa.
Trong quá trình thi công, các đơn vị cũng đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật mới, linh hoạt để xử lý những đoạn đường có nền đất yếu cũng như xẻ núi để hạ độ cao lấy cốt đường. Trên đoạn tuyến thuộc gói thầu số 8 đi qua địa phận phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà có một vị trí nền đất yếu, nhà thầu đã cho triển khai thi công cọc cát đầm với tổng chiều dài 92.000m và giếng cát với tổng chiều dài là 17.000m, khối lượng công việc này hiện đang thực hiện gần hoàn thành.
Đoạn tuyến từ Km74+4 - Km74+880 là một quả đồi, nhà thầu thi công đã thay đổi từ phương án cho nổ mìn sang phá đá bằng búa thủy lực nhằm đảm bảo an toàn, do vị trí này nằm gần tuyến đường tránh Huế có lưu lượng xe qua lại nhiều, cách hồ thủy lợi Khe Nước khoảng 30m và phía trên đồi là đường dây 220KV chạy dọc song song với tuyến cao tốc.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, một “điểm nghẽn” lâu nay là thiếu nguồn đất đắp đường, đến nay đã cơ bản được giải quyết. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 17 mỏ đất còn thời gian hoạt động và địa phương vừa cho phép 3 chủ mỏ đất tăng công suất khai thác phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 9 vị trí đất làm vật liệu san lấp đã được quy hoạch; lựa chọn một số đơn vị để cấp phép thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp tại 4 vị trí. Với số lượng vị trí mỏ đất mới nêu trên, dự kiến có thêm khoảng 6 triệu m3 đất san lấp cung cấp cho nhu cầu các dự án trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang thiếu khoảng 70.000 m3 cát san lấp và cát xây dựng. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dừng cấp phép khai thác các mỏ cát nên lượng cát này chủ yếu được mua từ những mỏ cát của tỉnh Quảng Nam.
Hướng tới mục tiêu
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khởi công từ tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế là 66,4km, trải dài qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc.
Ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, toàn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 11 gói thầu với khoảng 50 nhà thầu. Năm 2020, do ảnh hưởng mưa lũ lịch sử kéo dài ở miền Trung cũng như các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tiến độ của dự án.
Hiện nay, trên toàn tuyến, các nhà thầu đã thi công được khoảng 40% khối lượng công việc. Đến nay, các cây cầu trên tuyến đã cơ bản xong phần hạ bộ, 30% lắp xong dầm cầu; phần nền thông thường cũng gần như hoàn thành, phần nền đắp phấn đấu xong trong tháng 7.
Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, việc giải phóng mặt bằng đi qua tỉnh Thừa Thiên – Huế cơ bản hoàn thành, đạt hơn 99%. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1km bao gồm 15 hộ dân nằm rải rác và một cây xăng chưa chịu di dời, ảnh hưởng đến việc thi công nền đường bị đứt đoạn cũng như khó khăn trong vận chuyển máy móc. Phía Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đang phối hợp với tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai các bước để thực hiện cưỡng chế thi công với các hộ dân cố tình không chấp hành theo quy định pháp luật.
Đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cũng cho biết, đối với các đường dân sinh mà các nhà thầu mượn của địa phương để các phương tiện xe ô tô vận chuyển vật liệu đi vào công trường đều có biên bản kiểm tra hiện trạng trước khi mượn đường và các nhà thầu bắt buộc phải ký quỹ sửa chữa để trả lại nguyên trạng đường sau khi kết thúc dự án.
Thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng thường xuyên thị sát, kiểm tra trên công trường thi công tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn và yêu cầu Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng cũng như tính ổn định, bền vững của công trình.
Thứ trưởng Lê Đình thọ cũng lưu ý các đơn vị xử lý những vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt khi vào mùa mưa lũ, đảm bảo chắc chắn, độ chặt ở các vị trí kè, ốp mái và xử lý triệt để các vị trí có xuất hiện mạch nước ngầm…
Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành cùng với đoạn La Sơn-Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của quốc lộ 1A khi tuyến đường đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, đồng thời góp phần tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền Trung.