Theo WB, khu vực EAP trong năm 2020 ước tính chỉ tăng trưởng với tốc độ 0,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1967. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc dự báo ở mức 2% trong năm nay nhờ chi tiêu chính phủ tăng, hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh và tỉ lệ lây nhiễm mới ở mức thấp kể từ tháng 3.
Theo báo cáo của WB, tác động của đại dịch COVID-19 và nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã dẫn tới hoạt động kinh tế tại khu vực này giảm mạnh. WB nêu rõ: "Những khó khăn trong khu vực cùng với suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch bệnh gây ra, đã tác động tiêu cực tới các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương vốn phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch". WB nhận định các nước trong khu vực cần theo đuổi cải cách tài chính để huy động nguồn lực ứng phó với những tác động mà đại dịch gây ra. Trong khi đó, các chương trình bảo trợ xã hội có thể giúp người lao động hội nhập trở lại nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế cũng sẽ làm gia tăng số người nghèo (tức là những người có thu nhập khoảng 5,5 USD/ngày) tại khu vực này. Theo WB, dựa vào những kinh nghiệm trước đây và dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới nhất, số người rơi vào cảnh đói nghèo tại khu vực này có thể tăng từ 33- triệu người, lần tăng đầu tiên trong vòng 20 năm qua. Trong khi đó, 33 triệu người đáng lẽ đã thoát nghèo nếu không xảy ra dịch COVID-19 vẫn sẽ ở cảnh nghèo đói trong năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Victoria Kwakwa, khu vực này đang đứng trước một loạt thách thức lớn chưa từng có. Tuy nhiên, các nước trong khu vực đề ra sẵn nhiều sự lựa chọn chính sách khôn khéo, có thể làm giảm tác động của dịch bệnh như đầu tư vào năng lực xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, mở rộng chương trình bảo trợ xã hội để chi trả cho người nghèo và những khu vực kinh tế phi chính thức.