Phát biểu tại một cuộc hội thảo kinh doanh, ông Supattanapong cũng lưu ý rằng nếu tình hình thuận lợi hơn, nền kinh tế Thái Lan sẽ phục hồi vào cuối năm 2021. Chính phủ Thái Lan đã sử dụng gần 800 tỷ baht (25 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo ông Supattanapong, Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp kích thích và lập kế hoạch trợ cấp theo cơ chế "đồng chi trả" thay vì hỗ trợ không hoàn lại để giúp thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Supattanapong không cho biết thêm chi tiết.
Cũng tại hội thảo, ông Danucha Pichayanan, Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan cho hay trong nỗ lực đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra gói ứng phó 1.900 tỷ baht, bao gồm kế hoạch cho vay 1.000 tỷ baht. Gói vay nợ trên sẽ nâng tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan từ khoảng 47% hồi tháng 7 lên 57%, song vẫn nằm trong giới hạn 60%.
Ông Danucha cho rằng gánh nặng nợ cao hơn sẽ hạn chế quy mô và hiệu quả của các chính sách mà Chính phủ Thái Lan có thể triển khai nhằm ứng phó những ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19. Nhưng mức nợ hiện tại vẫn trong tầm quản lý của Chính phủ Thái Lan và vẫn còn dư địa để thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra, ông Danucha cho hay Thái Lan đã thâm hụt ngân sách trong 10 năm qua và nước này phải cố gắng cân bằng ngân sách ít nhất trong vòng 5 - 6 năm tới.
Bộ Tài chính Thái Lan dự báo nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ giảm kỷ lục 8,5% trong năm 2020 do dịch bệnh bùng phát đã "tàn phá" ngành du lịch chủ chốt và kéo hoạt động tiêu dùng chậm lại. Tính riêng trong quý II/2020, kinh tế Thái Lan đã giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Bất chấp thành tích của Thái Lan trong việc kiềm chế tương đối hiệu quả đại dịch COVID-19, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đánh giá tác động của đại dịch đối với nền kinh tế Đông Nam Á này nghiêm trọng hơn dự kiến và sự phục hồi kinh tế vẫn còn khó dự báo với GDP cả năm 2020 có thể giảm tới 8%.