Theo Bộ Công Thương, dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Tính chung quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%). Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hong Kong (Trung Quốc) giảm 12%; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 6,3%; Xuất khẩu của Australia tháng 1/2020 giảm 5,4%, của Malaysia tháng 1/2020 giảm 1,5%...
Trong quý I, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng nông, lâm thủy sản 3 tháng ước đạt 5,28 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,9%).
Tính tới thời điểm hết tháng 3/2020, những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi COVID-19 là rau quả (kim ngạch giảm 11,5% so với cùng kỳ, cùng kỳ giảm 3%), thủy sản (giảm 11,2%, cùng kỳ tăng 1,5%), cao su (giảm 26,1%, cùng kỳ tăng 15,4%).
Bên cạnh đó, những mặt hàng có thể chịu tác động trong trung hạn do nhu cầu tiêu thụ giảm như cà phê (giảm 6,4%, cùng kỳ giảm 22,1%), chè các loại giảm 14,9% (cùng kỳ tăng 18,4%); hạt tiêu giảm 17,6% (cùng kỳ giảm 14,3%) do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này.
Riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,41 triệu tấn, giá trị kim ngạch 653 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và 7,9% về giá trị (cùng kỳ giảm 18,5% về trị giá).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,05 tỷ USD, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,6%).
Sự sụt giảm rõ ràng nhất thể hiện với dệt may: Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 10,3% (cùng kỳ tăng 7,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 15,1% (cùng kỳ tăng 16,7%); hàng dệt và may mặc giảm 8,9% (cùng kỳ tăng 10,7%).
Tình trạng tương tự đối với xuất khẩu da giày: Xuất khẩu giầy, dép các loại giảm 1,9% (cùng kỳ tăng 14%); túi xách, vali, mũ ô dù giảm 5,5% (cùng kỳ tăng 10,2%). Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 51,7% (cùng kỳ tăng 1,6%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 15,9%, trong đó dầu thô giảm 8% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 30,1%.
Hoạt động xuất khẩu ở một số thị trường đã phục hồi trong tháng 3 khi đã kiểm soát được dịch bệnh có thể kể đến như: Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 11,5%; Nhật Bản tăng 3,5%. Tuy nhiên, tại thị trường Đông Nam Á đã có sự sụt giảm rõ rệt (xuất khẩu sang thị trường Thái Lan giảm 11,2%; Lào giảm 9%; Campuchia giảm 3,2%).
Những thị trường Việt Nam đang xuất khẩu chủ lực mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may; giày dép lại đang sụt giảm đáng kể: EU giảm 14,9%; Anh giảm 16,7%. Thị trường Hoa Kỳ vẫn có tăng trưởng (tăng 16,2%) nhưng so với cùng kỳ lại có sự sụt giảm nghiêm trọng (cùng kỳ tăng 28,%) do dịch bệnh đang bùng phát tại quốc gia này.
Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2020 giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).
Tuy nhiên, Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong thời gian tới.
Cùng với đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.
Mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.