Theo đó, tỉnh chú trọng tuyên truyền đến các địa phương ven biển, vùng hải đảo về vấn đề này để tạo chuyển biến mạnh về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển cho ngư dân. Cùng đó, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định pháp luật của các quốc gia có biển trong khu vực trong lĩnh vực khai thác thủy sản và tình hình an ninh, trật tự trên biển.
Tỉnh Kiên Giang kiên quyết giảm thiểu và phấn đấu chấm dứt tình trạng khai thác IUU; xây dựng và triển khai đề án kiện toàn, sắp xếp tàu cá của tỉnh ổn định nghề cho ngư dân nhằm đảm bảo tính bền vững trong khắc phục khai thác IUU; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát khai thác hải sản…
Việc phổ biến pháp luật đến ngư dân được thực hiện bằng nhiều hình thức thích hợp với từng địa phương, từng đối tượng và qua đó, vận động nhân dân, đặc biệt là ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác IUU.
Nội dung tuyên truyền gồm: Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản năm 2017; Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác IUU tại tỉnh Kiên Giang; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Ngoài ra, ngành chức năng và địa phương phối hợp thông tin tuyên truyền các vùng biển được phép đánh bắt, vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia; thông tin xử lý các vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về khai thác IUU theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
Tỉnh Kiên Giang cũng có các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường giải pháp quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật; giải pháp cấp bách để khắc phục "thẻ vàng" IUU tại địa phương. Cùng với đó, các nội dung còn được tuyên truyền thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube… hay trên sổ tay, tờ rơi, tờ gấp…
Ngoài ra, các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho chủ phương tiện, ngư dân tại các huyện có nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản; tuyên truyền thông qua các hội thi, hội nghị, sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản hay các buổi sinh hoạt của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, hoạt động của Hội nghề cá…
Theo Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang, mặc dù thời gian gần đây việc khai thác hải sản bất hợp pháp đã giảm nhưng chưa chấm dứt do nhiều nguyên nhân; trong đó, có việc tuyên truyền chưa sâu, chưa đến đúng đối tượng; nhận thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa cao; việc vận hành, quản lý chất lượng và khai thác hệ thống giám sát hành trình tàu cá còn bất cập, thiếu chế tài xử lý…